Báo động tỷ lệ tiêm phòng dại tại nhiều địa phương còn quá thấp

Số ca tử vong vì bệnh dại từ đầu năm đến nay gia tăng đột biến so với cùng kì năm trước là hồi chuông báo động về những lỏng lẻo trong công tác quản lý chó, mèo và thiếu sót trong việc tiêm phòng vacine dại ở các địa phương.

benh-dai-1-1711440730.png
Thời gian qua, tình trạng chó thả rông tấn công người tăng mạnh

Chó thả rông tấn công người

Khoảng 17h ngày 11/3, trên đoạn đường Nguyễn Hồng Sơn (khu phố Dân Phước, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) xuất hiện một con chó màu vàng chạy rông. Bất ngờ, con chó lao vào tấn công 7 người tại khu vực này. Nhận được thông tin, cơ quan chức năng đã vận động những người bị con chó nghi dại trên cắn đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng.

Ngày 28/2, một con chó đã chạy vào Trường TH&THCS Dực Yên (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) tấn công 14 người là học sinh và thầy giáo. Cơ quan chức năng tại Quảng Ninh sau đó thông tin, không xác định được chủ nuôi. Con chó đã bị tiêu hủy sau khi xét nghiệm dương tính với virus dại. Những người bị chó cắn đã được điều trị, hiện sức khỏe ổn định.

Trước đó, bé gái N.L (7 tuổi, ở Hà Nội) được bố đưa đến nơi làm việc. Trong lúc bố bé L. không để ý, 4 con chó do chủ nhà nuôi đã bất ngờ lao vào tấn công bé. Bé được gia đình đưa vào viện trong tình trạng đau đớn, tâm lý hoảng loạn cùng hàng trăm vết thương trên cơ thể. Mẹ bé L. cho biết, 4 con chó này vốn được nuôi nhốt. Nhưng tại thời điểm xảy ra sự việc, những con chó này được thả rông, không đeo rọ mõm.

benh-dai-1-1711440730.jpg
Vết thương trên người bé L. do bị chó tấn công

Trên đây chỉ là 3 vụ việc điển hình về chó thả rông tấn công người. Từ đầu năm đến nay, đã có 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Trong đó, cả nước ghi nhận 45 ca bệnh dại trên động vật tại 22 tỉnh, thành phố, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023. Đáng báo động trong 45 ca thì tới 27 trường hợp đã tử vong chết.

Trước diễn biến phức tạp này, Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh, huyện đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện tại cấp xã, thôn, bản vẫn còn nhiều bất cập.

Tỷ lệ tiêm phòng dại thấp

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông cho biết, qua kiểm tra thực tế việc phòng, chống bệnh dại cho thấy sự chậm trễ, yếu kém trong việc triển khai các giải pháp tại một số tỉnh, thành phố. Có nơi tổ chức triển khai chưa đủ, chưa đúng với các quy định và các văn bản chỉ đạo.

Thậm chí, tại ngay chính địa phương đang diễn ra dịch bệnh, công tác phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh dại vẫn vô cùng chậm trễ, chưa bố trí kinh phí hoặc chưa đủ kinh phí. Ví dụ, có nơi chỉ bố trí kinh phí tiêm phòng cho khoảng 50% tổng đàn chó. Như vậy là chưa đạt yêu cầu. Công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân còn yếu và thiếu, không được diễn ra thường xuyên và không bám sát thực tế. Với đối tượng là đồng bào dân tộc, việc tuyên truyền còn chưa phù hợp, chưa dễ hiểu…

benh-dai-1711440730.jpg
Tỷ lệ tiêm phòng dại tại nhiều địa phương còn thấp

Ông Long cho hay, có một vấn đề đáng lo ngại là nhiều địa phương không quản lý được số lượng chó, mèo. Điều đó dẫn tới việc tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo còn thấp. Thực tế ở nhiều xã, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó chỉ được một vài phần trăm. Nhiều địa phương còn không điều tra, không lấy mẫu xét nghiệm chó dại dù những năm qua, Cục Thú y đều hỗ trợ xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc. Tại một số tỉnh như Gia Lai, Lạng Sơn… khi Cục lấy mẫu xét nghiệm, tỷ lệ dương tính với bệnh dại rất cao.

Sự đứt gãy trong hệ thống thú y cấp cơ sở cũng là nguyên nhân khiến tình hình giám sát dịch bệnh gặp khó khăn. Nhiều nơi không có thú y xã hoặc có nhưng rất yếu. Lực lượng đi bắt chó, tiêm vaccine còn thiếu. Nhiều người chia sẻ, công việc này vất vả, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng.

Cục trưởng Cục thú y cho biết, “không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030” là mục tiêu toàn cầu, trong đó Việt Nam có tham gia. Để thực hiện được mục tiêu đó, trước hết phải khống chế, khoanh vùng các các bệnh dại trên động vật để hạn chế mức thấp nhất các ca tử vong vì bệnh dại, cần khắc phục các điểm yếu trong công tác triển khai, tổ chức thực hiện được nêu trên.

Đồng thời, cần phải kiểm tra, giám sát, thậm chí xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cấp vì sự chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm chỉ đạo, chậm hoặc thiếu bố trí kinh phí tiêm phòng vacine; xử lý chủ nuôi chó nhưng không nhốt, không tiêm vắc xin cho đàn chó theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024.

Cục Thú y cho rằng, các tỉnh cần tham mưu để Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y, chăn nuôi tổ chức mua, cấp vacine dại và tổ chức tiêm vacine dại cho đàn chó, bởi nếu chia nhỏ cho các huyện có thể không tiêm hoặc tiêm không đồng bộ.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bao-dong-ty-le-tiem-phong-dai-tai-nhieu-dia-phuong-con-qua-thap-2045.html