Thông tin được đề cập tại Hội nghị Triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng chiều ngày 26/3 tại Hà Nội.
Sự kiện đã khái quát về tình hình phát triển quảng cáo mạng tại Việt Nam trong thời gian qua, những hạn chế thiếu sót lẫn những kết quả khả quan sau một năm triển khai các giải pháp chấn chỉnh hoạt động này. Các đại biểu đặc biệt tập trung thảo luận xung quanh bộ giải pháp Whitetlist (Nội dung được xác thực khuyến nghị quảng cáo) và Blacklist (Nội dung xấu độc, vi phạm luật quảng cáo).
Theo ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, “giải pháp Blacklist đã có hiệu quả, nhưng Whitelist thì chưa”. Tất cả các doanh nghiệp quảng cáo lớn và nhãn hàng đều đã chú trọng sử dụng Blacklist, nhất trí đồng hành cùng Bộ trong việc không hợp tác cùng những KOL, người nổi tiếng có vi phạm.
Về nỗ lực ngăn chặn các vi phạm quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, chỉ tính riêng năm 2023, Bộ TT&TT đã làm việc với YouTube và chặn gỡ 25 kênh nội dung phản động, xấu độc, tăng gấp 5 lần so với năm 2022. Bên cạnh đó, Cục cũng đã xử phạt 10 doanh nghiệp, nhắc nhở 15 doanh nghiệp sai phạm khác trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Về việc xây dựng bộ Whitelist, năm 2023 đã phát triển được 4.000 trang, áp dụng cho cả các kênh báo chí, mạng xã hội, các trang điện tử tổng hợp…. Whitelist mở rộng là danh sách “động”, được cập nhật và quét liên tục để loại bỏ những kênh vi phạm, phù hợp với thực tế và giúp cho cơ quan chức năng quản lý tốt hơn.
Thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã truyền đi nhiều thông điệp về vấn đề quảng cáo mạng tới các nhà sáng tạo nội dung, đặc biệt là “làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”, tuy nhiên thông điệp này cũng chưa phát huy được như kỳ vọng. Vẫn còn những trường hợp doanh nghiệp chủ quan, chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua Blacklist để quảng cáo trên những trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng.
Được biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ có những hoạt động mạnh mẽ hơn trong quản lý hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên mạng, mở rộng Whitelist và cả Blacklist. Trong đó, Blacklist sẽ được mở rộng theo hướng bao gồm những nội dung chia sẻ trên mạng dù không thuộc phạm vi cấm nhưng không phù hợp với thuần phong mỹ tục, giá trị đạo đức, chuẩn mực của người Việt.
Nhất trí với các giải pháp được Bộ TT&TT đưa ra, đại diện công ty VCCorp cho biết, Whitelist mở rộng có tính khả thi cao vì công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể rà và quét liên tục các nội dung video và âm thanh theo thời gian thực. Tuy nhiên, theo công ty này, chúng ta cần có những giải pháp đảm bảo về quy mô để quản lý tốt hơn các danh sách.
Đại diện công ty TNHH Truyền thông WPP – “ông lớn” trong lĩnh vực quảng cáo cam kết sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng bộ Whitelist mở rộng. “Việc tiếp thị sản phẩm cần tập trung vào người dùng với thái độ đúng đắn mới có thể tạo ra một không gian mạng an toàn và lành mạnh, tuân thủ các quy định pháp luật và bảo vệ người dùng, đảm bảo nội dung quảng cáo sạch”, đại diện này khẳng định.
Về phía đại diện cơ quan chức năng quảng lý hoạt động quảng cáo từng địa phương, ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc sở TT&TT TP.HCM cho biết, cần có những biện pháp khuyến khích và xử phạt phù hợp với các nhà sáng tạo nội dung, đảm bảo công bằng giữa những nền tảng trong, ngoài nước. Đặc biệt, cần truyền thông mạnh về lợi ích của các doanh nghiệp khi áp dụng Whitelist, xử phạt nhãn hàng vi phạm Blacklist…
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/siet-chat-hoat-dong-quang-cao-den-tren-mang-trong-thoi-gian-toi-2066.html