Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại đã liên tục tung ra loạt gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất rất thấp, có thể kể đến như: Ngân hàng Bản Việt đang áp dụng gói tín dụng ưu đãi vay mua bất động sản, sửa chữa nhà với lãi suất chỉ từ 6,9%/năm áp dụng trong 3 tháng đầu. Hay như Eximbank, Techcombank, MB, ACB… đang triển khai gói vay mua nhà, xây nhà, sửa chữa nhà ở với lãi vay phổ biến trong thời gian đầu từ 7,5%-9%/năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 8/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng hơn 26.000 tỷ đồng so với tháng trước. Tuy nhiên, vốn tín dụng tăng chủ yếu với chủ đầu tư dự án bất động sản, còn với phân khúc khách hàng cá nhân vay mua nhà lại rất thấp.
Cụ thể, tới hết tháng 8/2023, dư nợ tín dụng đối với vay mua quyền sử dụng đất chỉ đạt hơn 62.700 tỷ đồng, giảm so với con số hơn 63.200 tỷ đồng hồi cuối tháng 7. Số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai gần như không thay đổi so với tháng trước, điều này cho thấy nhu cầu mua căn hộ ở các dự án cũng không tăng nhiều.
Nhiều người cho biết, dù có nhu cầu vay mua nhà để ở nhưng họ vẫn do dự vì lo lãi suất tăng trở lại sau thời gian ưu đãi. Anh Nguyễn Thịnh (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, anh đang có ý định vay thêm khoảng 1 tỷ đồng để mua căn hộ trên địa bàn và đã tìm hiểu 2 ngân hàng thương mại nhà nước có mức lãi suất cho vay khoảng 8%/năm ưu đãi trong thời gian đầu nhưng anh vẫn đang lưỡng lự.
Anh Thịnh băn khoăn, mức lãi suất trên khá hợp lý và cũng phù hợp với khả năng trả nợ nhưng anh vẫn chưa quyết định vì lo lãi suất sẽ tăng sau giai đoạn ưu đãi. Thực tế, bạn bè của anh nhiều người đã dính “cú sốc” lãi suất vay mua nhà chỉ từ 8-9%/năm trong thời gian đầu sau đó vọt lên 14-15%/năm vào cuối năm ngoái. Đến nay, dù lãi suất các khoản vay của họ đã được giảm nhưng vẫn lên tới 12 - 13%/năm.
Trường hợp của anh Hoàng (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) đã hỏi mua căn nhà phố tại một dự án ở TP. Thủ Đức với giá 8,7 tỷ đồng, ngân hàng đã khảo sát và đồng ý cho vay 4 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 2 năm đầu chỉ 8,5 - 9%/năm nhưng anh còn phân vân, lý do vì nếu phải trả gốc lãi gần 38 triệu đồng/mỗi tháng, nếu sau 2 năm lãi suất tăng lên 10-12% thì số tiền phải trả rất lớn nên anh không dám vay.
Ngoài ra, do thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhiều người vẫn kỳ vọng nhà đất, căn hộ chung cư có thể giảm thêm trong thời gian tới nên cũng chưa vội “xuống tiền” lúc này.
Bên cạnh đó, rất nhiều chủ đầu tư các dự án chung cư giá bình dân ở khu vực vùng ven, địa phương lân cận TP. Hồ Chí Minh hiện đang áp dụng chính sách hỗ trợ khách hàng vay không lãi suất hoặc thanh toán chậm theo tiến độ dự án nên nhiều khách không muốn vay ngân hàng.
Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng do thủ tục xây dựng các dự án nhà ở xã hội phức tạp cũng như mất nhiều thời gian để hoàn thiện. Nhiều địa phương còn đang trong quá trình tổng hợp danh mục dự án và nhu cầu của chủ đầu tư nên chưa công bố danh mục; nguồn thu nhập của khách hàng mua nhà bị sụt giảm do bị ảnh ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn... nên việc triển khai gói tín dụng này với chủ đầu tư và người mua nhà cũng đạt rất thấp.
Một chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, sở dĩ nhu cầu tín dụng bất động sản tiêu dùng của cá nhân ở mức thấp là do kinh tế còn khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Do đó, dù có nhu cầu về nhà ở, song ngân hàng khó có thể kích cầu tín dụng mua nhà trong giai đoạn hiện tại. Mặt khác, thị trường nhà đất vẫn trầm lắng khiến khách hàng chưa mặn mà với việc vay mua nhà mà kỳ vọng giá nhà và lãi suất sẽ giảm thêm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) cho biết: “Từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay mua nhà sẽ giảm thêm nhưng giảm ở mức độ nào tùy thuộc vào thị trường. Dù vậy, không phải cứ lãi suất rẻ là khách hàng sẽ có nhu cầu. Thực tế, nhiều khoản lãi suất cho vay hiện đã về ngang bằng với giai đoạn trước COVID-19”.
Liên quan đến vấn đề cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ kinh doanh bất động sản trong 7 tháng đầu năm đã tăng 18,95%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Đây là mức tăng rất cao, gấp hơn 4 lần tăng trưởng tín dụng chung. Trong khi dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản lại giảm 1,36% dù chiếm đến 65% dư nợ tín dụng phân khúc này.
"Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó, cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng lại đang sụt giảm" - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhận định, những con số trên cũng cho thấy rằng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng, khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung, mua nhà ở chưa phải nhu cầu được khách hàng ưu tiên hiện nay. Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa các sản phẩm cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp nhu cầu của người dân, các dự án gặp khó khăn pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhu-cau-vay-mua-bat-dong-san-van-eo-uot-du-lai-suat-ngan-hang-giam-209.html