Henry Ajder – người sáng lập công ty tư vấn Latent Space Advisory và là chuyên gia hàng đầu về AI tổng quát đã có những lời khuyên được chia sẻ rộng rãi về việc phát hiện ra những dấu hiệu nhận biết một bức ảnh deepfake.
Đầu tiên, khi đứng trước một bức ảnh mà mình cảm thấy nghi ngờ về độ chân thực, điều đầu tiên mà bạn cần quan sát là màu da của nhân vật trong đó. Rất nhiều bức ảnh deepfake AI về con người có hiệu ứng ánh sáng điện tử - một loại hiệu ứng làm mịn mang tính thẩm mỹ khiến cho làn da trông “cực kỳ bóng bẩy”. Điều này có thể bắt nguồn từ việc AI đã học tập thói quen “làm đẹp” cho những bức ảnh của con người. Tuy nhiên, thời gian tới, với sự thúc đẩy sáng tạo, điều này có thể sẽ thay đổi khi AI nhận ra rằng, không phải bao giờ những bức ảnh được tạo ra cũng cần đẹp long lanh.
Hãy nhìn thật kỹ vào gương mặt của những người xuất hiện trong bức ảnh nghi ngờ. Việc hoán đổi gương mặt là thủ pháp thông thường nhất của deepfake. Bạn hãy xem màu da mặt có phù hợp với các phần da lộ ra ở đầu, cổ và các phần khác của cơ thể hay không, các cạnh của khuôn mặt có sắc nét hay mờ hay không…
Nếu nghi ngờ video một người đang nói có bị chỉnh sửa hay không, hãy nhìn vào miệng của họ. Chuyển động của môi có khớp với âm thanh một cách hoàn hảo hay không. Công ty an ninh mạng Norton cho biết, các thuật toán AI hiện nay có thể chưa đủ phức tạp để tạo ra từng chiếc răng. Do đó, việc thiếu đường viền cho từng chiếc răng cũng có thể là một đầu mối để chúng ta có thể kiểm tra sâu hơn về sự chân thực của bức ảnh, video.
Thứ hai, hãy kiểm tra tính nhất quán của bóng và ánh sáng. Thông thường, đối tượng trung tâm của bức ảnh sẽ khá rõ nét và sống động, nhưng AI có thể “quên” chi tiết cho các yếu tố hậu cảnh khiến nó trở nên lung linh, không chân thực.
Thứ ba, hãy quan sát tổng thể và logic. Trang Poynter “chỉ điểm”: Nếu chúng ta nhìn thấy một bức ảnh về một nhân vật nổi tiếng nào thực hiện những hành vi có vẻ cường điệu, phi thực tế hoặc không có tính cách thì hãy nghĩ ngay đến deepfake. Một trường hợp điển hình để tham khảo là bức ảnh Đức Giáo hoàng mặc một chiếc áo khoác phồng màu trắng trông cực kỳ sang trọng – có vẻ là điều bất bình thường so với những hình ảnh về thói quen hàng ngày của ông. Đây là bức ảnh deepfake nổi tiếng, là một trường hợp điển hình về công nghệ này.
Thứ tư, hãy sử dụng các công cụ AI khác để check. Nghe có vẻ tréo ngoe nhưng hiện nay, các công cụ AI mới cũng có thể sử dụng để kiểm tra tính chân thực của những bức ảnh được tạo ra từ AI. Microsoft đã phát triển một công cụ xác thực có thể phân tích hình ảnh hoặc video để đưa ra điểm số đáng tin cậy về việc nó có bị giả mạo hay không. Intel cũng có công cụ FakeCatcher có thể phân tích tới từng pixel của hình ảnh để xác định nó có thật hay không.
Thị trường kỹ thuật số cũng đã có nhiều công cụ trực tuyến hỗ trợ cho việc phân tích các hình ảnh, video mà người dùng nghi ngờ. Tuy nhiên, với một số người sẽ khá khó khăn trong việc tiếp cận những công cụ này. Đơn cử, một số trình xác thực của Microsoft chỉ có sẵn cho các đối tác được lựa chọn chứ không phải dành cho số đông. Sự hạn chế này nhằm ngăn cản các đối tượng xấu tiếp cận. Chúng có thể biết được cách mà AI phát hiện ra deepfake để từ đó khắc phục các hạn chế cho AI giả mạo, khiến cho việc phân tích và phát hiện trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
Trí tuệ nhân tạo đang phát triển với tốc độ chóng mặt và các mô hình AI được đào tạo dựa trên dữ liệu Internet sẽ ngày càng mạnh hơn, tinh vi hơn, ít sai sót hơn, đồng nghĩa với việc các kinh nghiệm để phát hiện deepfake của hôm nay có thể sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời chỉ sau một thời gian ngắn tới. Các chuyên gia cũng cảnh báo, việc trở thành “thám tử kỹ thuật số” thậm chí có thể tạo nên gánh nặng, sai lầm cho những người dùng thông thường vì việc phát hiện ra deepfake sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Quá tin tưởng vào quan sát của mình mà không kiểm chứng sẽ dễ dàng bị AI qua mặt.
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/chuyen-gia-ve-ai-huong-dan-cach-nhan-biet-got-chan-asin-tu-nhung-hinh-anh-deepfake-the-he-moi-2113.html