Theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, mỗi năm có hàng chục nghìn người Việt phải vào viện vì bệnh lý do các loại giun sán. Đáng chú ý, xu hướng nuôi chó mèo làm thú cưng gia tăng trong thời gian gần đây khiến cho các ca bệnh nhiễm giũn đũa chó mèo từ vật nuôi đang bùng nổ.
Lý giải cho điều này, TS Cảnh cho biết, việc thường xuyên ôm ấp thú cưng, ngủ cùng thú cưng khiến người nuôi có nguy cơ cao nuốt phải trứng giun đũa chó mèo. Chỉ riêng trong năm 2023, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) đã tiếp nhận, chuẩn đoán và điều trị cho 15.527 trường hợp người nhiễm giun đũa chó mèo. Còn tại các cơ sở y tế khác trên cả nước, trung bình mỗi năm, số ca nhiễm loại giun này ước tính khoảng 30.000 ca.
Khi thâm nhập vào cơ thể, trứng giun đũa chó mèo sẽ không phát triển thành giun trưởng thành ngay mà tồn tại ở dạng ấu trùng, di chuyển khắp các cơ thể người. Chúng được tìm thấy ở gan, gây ra những những ổ áp-xe. Nguy hiểm hơn, chúng có thể di chuyển vào tim, phổi, não gây ra tổn thương đối với những cơ quan này.
Có đến 70 - 90% người nhiễm giun đũa chó mèo có biểu hiện ngứa ở ngoài da hoặc nổi mẩn, phát ban ngoài da. Nhiều người lầm tưởng mình bị dị ứng, tự ý đi mua thuốc uống nhưng mãi không hết bệnh. Phải tới khi đi khám ở các bệnh viện lớn, họ mới biết nguyên nhân mẩn ngứa là do nhiễm giun đũa chó mèo.
Như trường hợp của chị C. (SN 1980, hiện đang sống tại Thanh Hóa) đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám trong tình trạng sút cân, buồn nôn kèm theo nổi mẩn ngứa dưới da. Kết quả xét nghiệm máu, xét nghiệm phân cho thấy chị đã nhiễm giun đũa chó mèo. Trước đó, chị đã tới một cơ sở y tế khám nhưng không tìm ra căn nguyên gây bệnh.
Các bác sĩ cho biết, với những trường hợp nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, quá trình điều trị thường kéo dài, bệnh nhân không được chủ quan khi biết mình nhiễm bệnh, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thực tế tại nhiều địa phương, thực trạng nuôi chó mèo vẫn chưa được quản lí, chưa được kiểm soát tốt dẫn tới nguy cơ về dịch bệnh lây từ vật sang người.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia khuyến cáo người nuôi thú cưng phải có ý thức trong việc phòng chống bệnh cho bản thân và gia đình bằng cách: vệ sinh, tắm rửa cho chó mèo thường xuyên; hạn chế các tiếp xúc gần như ôm, hôn vật nuôi; tẩy giun sán cho chó mèo định kỳ 3-6 tháng/ lần; cần xử lý sạch sẽ chất thải từ chó mèo.
Mặt khác, mỗi người cần hình thành thói quen rửa sạch tay sau khi chơi với vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi có nguy cơ nhiễm bệnh; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, bảo đảm ăn chín, uống sôi; vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của mình.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bung-no-cac-ca-benh-nhiem-giun-lay-tu-thu-cung-2128.html