Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) TP. HCM đã tổ chức hội nghị giao ban 3 tháng đầu năm 2024. Nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng người lang thang trên địa bàn thành phố đã được lãnh đạo Sở chia sẻ tại hội nghị.
Theo bà Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH, trong quý I/2024, các quận huyện đã tập trung và giao về các trung tâm bảo trợ 522 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn, tăng gấp đôi so với quý I/2023. Thời gian cao điểm là từ ngày 5/12/2023 đến ngày 4/1/2024 khi tập trung tới hơn 200 người. Con số này cho thấy nỗ lực của các tổ công tác địa phương.
Còn ông Trần Đức Tài - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận Tân Bình chia sẻ, trong năm 2024, Phòng dự kiến sẽ kết hợp với các địa phương để xử lý địa bàn giáp ranh, tránh tình trạng đẩy đuổi người lang thang từ địa phương này sang địa phương khác. Hiện 15/15 phường trên địa bàn quận Tân Bình đều thành lập tổ công tác thực hiện nhiệm vụ này.
Qua công tác rà soát các địa bàn trọng điểm, Phòng LĐ-TB&XH quận Tân Bình xác định có 11 tuyến đường thường xuyên có người lang thang, xin ăn xuất hiện. Phòng đã tham mưu cho UBND quận xử lý, đồng thời ra quân, lập hồ sơ đưa 11 người vào các trung tâm bảo trợ xã hội, trong đó có 1 trẻ em.
Điều bất ngờ là hầu hết những người lang thang được đưa về trung tâm bảo trợ đều có nơi ở tại địa bàn thành phố. Ban đầu, những người này không xuất trình được giấy tờ. Đến khi đưa về phường, người nhà của họ đã đem giấy tờ tới để xin về. Tuy nhiên, sau đó họ lại xuất hiện ở chỗ cũ hoặc di chuyển sang chỗ khác.
Trước vấn đề này, ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. HCM đã đề nghị Phòng Bảo trợ xã hội nghiên cứu thêm về quy định cho phép người thân bảo lãnh, nếu chưa chặt chẽ thì đề xuất biện pháp siết phù hợp để không tái diễn tình trạng người lang thang, xin ăn xuất hiện trên đường.
Theo ông Thinh, quy định cho phép người thân bảo lãnh nên cứ đưa người lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội rồi thì họ lại được xin ra. Như thế không đạt hiệu quả bền vững. Có khi chính thân nhân của họ lại là đối tượng chăn dắt, trục lợi và lợi dụng quy định này.
Ngoài ra, có trường hợp một số người bán vé số cố tình ngồi cùng với những người lang thang, xin ăn để trục lợi tình thương. Ông Tài cho biết, đã nhiều lần quận tuyên truyền tới người dân nên hỗ trợ tiền, quà tại các cơ sở từ thiện xã hội có uy tín, hợp pháp. Nhưng thực tế, vẫn còn rất nhiều người cho tiền trực tiếp người lang thang, xin ăn nên chưa chấm dứt được tình trạng này.
Bà Nguyễn Thành Phụng cũng cho hay, thành phố đã ban hành nhiều giải pháp để kịp thời phát hiện, tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn. Hiện nay, Sở Thông tin - Truyền thông đã chỉ đạo Tổng đài 1022 tiếp nhận tin báo của người dân, rồi chuyển về địa phương để giải quyết. Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường cũng được giao theo dõi, phát hiện trường hợp lang thang, xin ăn thì báo ngay cho cấp trên để tập trung về cơ sở bảo trợ xã hội…
Bà Phụng chia sẻ, bà đánh giá cao biện pháp liên kết các địa phương lân cận nhau để đảm bảo hiệu quả hoạt động, tránh việc địa phương này làm căng thì người lang thang lại chạy sang địa bàn khác.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-hau-het-nguoi-lang-thang-deu-co-nha-tai-thanh-pho-2172.html