Ngày 1/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ thương mại Mỹ Gina Raimondo và Bộ trưởng Bộ Công nghệ Anh là Michelle Donelan đã chính thức ký kết một bản ghi nhớ tại Washington (Mỹ) để cùng thử nghiệm và phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo tiên tiến, an toàn. Trước đó, 2 bên cũng đã tham gia ký và công bố các cam kết quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh An toàn AI ở Bletchley Park (Anh) hồi tháng 11/2023. Hai nước cũng là một phần trong số các quốc gia thành lập Viện An toàn AI cho Mỹ đứng đầu.
Theo nội dung thỏa thuận, Anh và Mỹ sẽ thực hiện ít nhất một cuộc "tập trận" thử nghiệm chung theo mô hình có thể tiếp cận công khai và đang xem xét tìm kiếm trao đổi nhân sự AI giữa các bên. Dự kiến, trong thời gian tới 2 bên sẽ tiếp tục tìm kiếm và hợp tác với các đối tác tương tự trên thế giới để thúc đẩy sự an toàn của AI.
“AI đã là một lực lượng phi thường vì lợi ích của xã hội chúng ta. Nó có thể giúp giải quyết nhiều thách thức lớn của thế giới, tuy nhiên chỉ khi chúng ta giải quyết được triệt để những rủi ro mà nó có thể mang lại”, Bộ trưởng Bộ Công nghệ Anh cho biết.
Về phần Mỹ, Bộ trưởng Raimondo đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của AI đối với nền kinh tế, xã hội và sự phát triển của cả thế hệ. “Sự hợp tác này sẽ đẩy nhanh hoạt động của hai bên trong việc giải quyết các rủi ro đến an ninh quốc gia và các mối quan tâm của xã hội về AI”.
Cả hai nước đều có kế hoạch chia sẻ thông tin quan trọng về khả năng và những rủi ro liên quan đến các mô hình AI, các nghiên cứu kỹ thuật về an toàn, bảo mật liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Trước đó, vào tháng 10/2023, chính phủ Anh cho biết, cơ quan chuyên trách của họ sẽ kiểm tra và thử nghiệm các loại AI mới. Tới tháng 11/2023, Mỹ cũng cho biết sẽ thành lập viện an toàn AI của riêng mình để đánh giá những nguy cơ, rủi ro đối với trí tuệ nhân tạo, sẽ liên kết với 200 công ty và tổ chức trên toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn chung với Reuters mới đây, cả 2 bộ trưởng của Anh và Mỹ đều khẳng định, cần có hành động chung khẩn cấp để giải quyết các rủi ro về AI toàn cầu vì thời gian không còn nhiều và các mô hình AI mạnh mẽ hơn tiếp theo sắp được ra mắt.
Chính quyền Mỹ cũng đã ký một sắc lệnh nhằm giảm thiểu rủi ro về AI vào tháng 11 năm ngoái. Bộ Thương mại nước này đang đề xuất yêu cầu các công ty điện toán đám mây của Mỹ xác định xem các thực thể nước ngoài có truy cập vào các trung tâm dữ liệu của Mỹ để đào tạo các mô hình AI hay không.
Đại diện cơ quan chức năng của Mỹ thể hiện sự lo ngại nếu AI được áp dụng cho khủng bố sinh học hoặc mô phỏng chiến tranh hạt nhân, lúc này hậu quả có thể rất thảm khốc. Vì vậy, các cơ quan quyết không nhượng bộ với những mô hình được cho là có khả năng gây ra hiểm họa đó.
Hồi tháng 2 vừa qua, Anh cũng cho biết sẽ chi hơn 100 triệu bảng Anh (125,5 triệu USD) để thành lập 9 trung tâm nghiên cứu mới và cơ quan quản lý đào tạo AI.
Minh Châu