2 mẩu nhà "siêu nhỏ" còn lại sau thu hồi đất làm đường
Ngôi nhà nằm chơi vơi cạnh vỉa hè, trước mặt toà chung cư lớn này là của ông Nguyễn Ngọc Kỳ, sinh năm 1955. Diện tích eo hẹp này là phần còn lại sau khi Nhà nước thu hồi đất mở rộng ngõ 102 Trường Chinh. Căn nhà hiện đã xuống cấp, từng mảng tường vôi cát đang liên tục bong tróc, trơ lớp gạch bên trong và được gia cố bằng cột thép.
Ông Nguyễn Ngọc Kỳ tâm sự, khi đang là sinh viên cơ khí Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, ông nhập ngũ và tham gia kháng chiến giải phóng miền Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc. Hoàn thành nhiệm vụ trở về, ông học tiếp cơ khí khoá 25, trở thành kỹ sư cơ khí.
Sau đó, ông được Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm phân công về làm việc tại Nhà máy cơ khí nông nghiệp 1 Hà Nội từ năm 1987, có kèm theo chỉ tiêu hộ khẩu. Tuy nhiên, do thời điểm này nhà máy chưa có nhà để phân chia cho ông, nên ông phải nhập khẩu vào khu tập thể.
Tháng 12/1991, ông có nhu cầu về nhà ở và được nhà máy bố trí, cho phép ông được làm nhà để ở trên nền một gian nhà cũ của hội trường đã bỏ không nhiều năm. Diện tích trên có tường bao cách biệt với nhà máy. Sau đó, năm 1992, ông Kỳ đã làm nhà ở (16m2) và sử dụng diện tích 63m2 đất ổn định.
“Gia đình chúng tôi sinh sống và làm việc ổn định tại đây từ năm 1992 và có với nhau hai người con, một trai một gái. Hai vợ chồng cố gắng xoay sở cuộc sống nhưng đến năm 1999, vợ tôi không may qua đời trong một vụ tai nạn, từ đó một mình tôi nuôi hai con ăn học. Tôi vốn nhiều bệnh tật, sức khoẻ cũng khá yếu nên cuộc sống của 3 bố con khá chật vật”, ông Kỳ nói.
Cũng theo lời kể của ông Kỳ, khi nhà máy cổ phần hoá, khu vực này được xây chung cư. Tuy nhiên sau khi dự án hoàn thành, mãi đến năm 2014 chủ đầu tư mới đặt vấn đề thỏa thuận. 2 bên không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên gia đình ông vẫn chưa thể chuyển đi.
Năm 2004, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án, sau nhiều măm chậm tiến độ, đến 2018 dự án mở rộng ngõ 102 Trường Chinh mới được thực hiện. Đến năm 2021, chính quyền thu hồi 54m2/63m2 đất nơi gia đình ông đang ở và hỗ trợ, bồi thường hơn 68 triệu đồng.
Trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho gia đình ông lúc đó, ông được hỗ trợ 1 căn hộ tái định cư 43m3 và phải mua với giá hệ số k=1,3, trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số tiền 68 triệu đồng được hỗ trợ, ông Kỳ phải nộp thêm hơn 1,15 tỷ đồng để nhận căn hộ trên. Do không đồng thuận với phương án bồi thường và việc cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư vào đất ông đang ở ốn định nên ông không chấp nhận.
Sau đó, ông Kỳ đã khởi kiện ra tòa về vấn đề này.
“Nếu vấn đề của gia đình tôi được giải quyết cùng với các hộ gia đình cán bộ công nhân viên của nhà máy thì tôi đã chuyển đi từ năm 2007 như mọi người. Mãi đến 2022, tôi mới được biết khu vực nhà ở của tôi đã nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ đầu tư chung cư này từ 2013. Do đó, đến nay 2 bên vẫn đang tiếp tục “cuộc chiến pháp lý””, ông Kỳ nói.
Gắng gượng “tồn tại” trong 8m2
Căn nhà của gia đình ông Kỳ sinh sống chỉ vẻn vẹn 8m2. Tầng dưới chật ních bàn ghế, bếp nấu, đồ đạc sửa xe máy, vật dụng sinh hoạt treo kín 4 bức tường. Gác xép tầng 2 là nơi ngủ của ông Kỳ và con trai, được kết nối bởi một thang thép tự chế. Trên cùng là một tum khoảng hơn 1m2 dành để máy giặt, phơi quần áo…
Ông Kỳ cho biết, sống trong căn nhà 8m2 rất bất tiện, mùa hè thì cực nóng vì sát mái tôn, còn mùa đông thì rất lạnh. Người con gái của ông phải đi thuê nhà nơi khác để sinh sống và làm việc. Người con trai ở cùng ông tại ngôi nhà này.
“Có lần trời mưa to, ướt chăn chiếu, quần áo, tôi lấy phơi lên cột điện, chung cư đằng sau họ kiến nghị đến chính quyền việc phơi quần áo như vậy làm mất mỹ quan. Rất khổ sở”, ông kể lại.
Ông kể lại, vào năm 2015, trong một cơn giông lốc lớn tại Hà Nội, bồn nước của chung cư HH1 (Công ty cổ phần Cơ điện và xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư) đã rơi xuống làm hư hỏng nhà. Kết hợp với cơn giông, đồ đạc trong nhà bị hư hại nặng, mái nhà bay theo giông lốc.
“Bữa đó tôi đi làm xa, nghe hàng xóm kể lại là có tiếng nổ rất lớn, sau khi bồn nước rơi xuống nhà tôi. Nhưng trong cái rủi cũng có điều may, 2 cháu nhỏ nằm trong nhà vẫn an toàn”, ông Kỳ nói.
“Tôi buộc phải sống ở đây, chứ cũng không thể đi chỗ nào để sống được. Nói đúng hơn là phải tồn tại ở đây, chứ sống như vậy thì không phải là sống, vì quá chật chội, bất tiện”, ông nói.
Nói về cậu con trai, ông Kỳ chia sẻ: “Sinh ra ở Hà Nội, bỗng dưng đến 30 tuổi không có gì trong tay. Những điều con trai tôi lẽ ra vốn không phải nghĩ tới thì nay lại là nỗi lo lắng lớn, ví dụ chuyện nhà cửa, vợ con. Với hoàn cảnh khó khăn như thế này, thì biết bao giờ mới dám tính đến chuyện đó?".
Những năm tháng qua, ông Kỳ cho biết ông đi làm nhiều việc khác nhau, hiện đang làm bảo vệ.
“Tôi đã gần 70 tuổi, nhiều bệnh tật, không có tích luỹ, trong khi chặng đường phía trước còn khá gian nan”, ông thở dài.
Hoài Phong
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tam-tu-triu-nang-cua-cu-ong-70-tuoi-trong-can-nha-8m2-o-via-he-ha-noi-2243.html