Cả thế giới xoay vần quanh chip bán dẫn, Intel bất ngờ công bố khoản lỗ kỷ lục

Intel vừa bất ngờ công bố khoản lỗ khổng lồ lên tới 7 tỷ USD năm 2023 đối với hoạt động kinh doanh đúc chip của mình. Khoản lỗ tăng mạnh so với năm trước cho thấy, công ty vẫn còn một chặng đường dài mới có thể đạt được điểm hòa vốn như mong đợi.

Với mức lỗ 7 tỷ USD trong hoạt động kinh doanh chip năm 2023, Intel tiếp tục xác lập mức kỷ lục làm ăn thua lỗ mới, cao hơn đáng kể so với mức lỗ 5,2 tỷ USD của năm 2022. Tổng cộng, công ty chỉ đat doanh thu 18,9 tỷ USD trong năm 2023, giảm tới 31% so với 27,49 tỷ USD của năm liền kề trước đó.

intel-1712114453.jpg
Intel tiếp tục xác lập kỷ lục kinh doanh thua lỗ mới, năm sau lỗ đậm hơn năm trước.

Chưa dừng lại ở đó, trong một buổi thuyết trình với các nhà đầu tư mới đây, Giám đốc điều hành Intel là ông Pat Gelsinger cho biết, năm 2024 sẽ là một năm còn tồi tệ hơn với hoạt động kinh doanh sản xuất chip của công ty. Dự kiến, phải đến năm 2027, Intel mới đạt được đến điểm hòa vốn.

Trong nhiều thập kỷ, Intel đã dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất các chất bán dẫn nhanh nhất và nhỏ nhất, bán chúng với giá cao và tái đầu tư lợi nhuận vào nhiều hoạt động nghiên cứu, phát triển để giữ vững vị trí dẫn đầu ngành. Tuy nhiên, Intel đã từng bước đánh mất vị thế của mình vào tay TSMC vào những năm 2010, tỷ suất lợi nhuận của hãng giảm mạnh khi phải giảm giá để giữ thị phần với các sản phẩm kém chất lượng khác.

Các quyết định sai lầm sau đó như không sử dụng máy cực tím (EUV) của công ty thiết bị bán dẫn ASML(Hà Lan) cũng đã khiến Intel chìm sâu hơn vào khủng hoảng. Mặc dù những chiếc máy đó có giá lên tới hơn 150 triệu USD, cao hơn hẳn so với các máy thế hệ cũ nhưng tính về mặt lâu dài lại tối ưu hơn về tiết kiệm chi phí.

Hệ quả của sai lầm đã khiến Intel phải thuê các nhà sản xuất hợp đồng như TSMC gia công khoảng 30% đĩa bán dẫn cho mình. Công ty đang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ này xuống 20% trong năm tài chính 2024.

Intel hiện đã chuyển sang sử dụng các máy EUV mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng lớn hơn, đồng thời từng bước loại bỏ các thiết bị thế hệ cũ.

Ông Gelsinger nói: “Trong kỷ nguyên hậu EUV, chúng tôi thấy rằng mình đang rất cạnh tranh về giá cả, hiệu suất và từng bước trở lại vị trí dẫn đầu. Và trong thời kỳ tiền EUV, chúng tôi phải chịu rất nhiều chi phí vì vậy thiếu đi tính cạnh tranh."

Năm 2021, Intel đã công bố kế hoạch đưa công ty trở lại vị trí số 1, nhưng kế hoạch này cần có sự hỗ trợ từ phía chính phủ Mỹ thì mới có lãi.

Đầu tháng 3 vừa qua, Intel cũng đã lên kế hoạch chi 100 tỉ USD để xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy sản xuất chip ở 4 bang của Mỹ. Kế hoạch xoay chuyển tình thế kinh doanh này phụ thuộc vào việc thuyết phục các công ty bên ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất chip của Intel.

intel-1712114568.jpg
Intel đang từng bước khắc phục những sai lầm trong quá khứ để tìm kiếm lại vị trí dẫn đầu ngành sản xuất chip toàn cầu.

Trọng tâm trong kế hoạch chi tiêu 5 năm của Intel là biến những khu vực “đồng không mông quạnh” ở Columbus, Ohio thành nơi sản xuất chip AI lớn nhất thế giới, bắt đầu tư năm 2027. Bên cạnh đó, công ty cũng đang thực hiện cải tạo các cơ sở sản xuất ở New Mexico và Oregon, mở rộng hoạt động sản xuất ở Arizona – nơi mà đối thủ lâu năm của họ là TSMC đang xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở Mỹ.

Là một phần trong kế hoạch đó, Intel nói với các nhà đầu tư rằng hãng sẽ bắt đầu báo cáo kết quả hoạt động sản xuất chip của mình dưới dạng đơn vị độc lập. Intel đã đầu tư rất nhiều để bắt kịp các đối thủ sản xuất chip chính của mình là TSMC và Samsung Electronics nhưng hiệu quả thế nào, chỉ có thời gian mới có được câu trả lời chính xác nhất.

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ca-the-gioi-xoay-van-quanh-chip-ban-dan-intel-bat-ngo-cong-bo-khoan-lo-ky-luc-2253.html