Người lao động nửa mừng nửa lo trước kiến nghị giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần

Thời gian qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị về giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần. Nhiều người lao động khi biết kiến nghị này bày tỏ thái độ vừa mừng vừa lo, ai cũng mong có thời gian nghỉ ngơi nhưng cũng lo thu nhập sụt giảm.

Anh Nguyễn Trung Quân (ngụ quận 8, TP. HCM) mới làm việc tại Công ty CP B.P (quận Bình Tân, TP HCM) được tầm 3 tháng nhưng đã có ý định xin nghỉ việc. Nguyên nhân là do thời gian làm việc quá dài. Anh Quân chia sẻ, lúc phỏng vấn xin việc, công ty trao đổi thời gian làm việc là 8 giờ/ngày và mỗi ngày sẽ tăng ca từ 1-2 giờ.

Tuy nhiên, thực tế giờ làm việc từ 7h - 17h (nghỉ trưa 1 giờ), tăng ca từ 17h15 - 19h. Ngoài ra, dù có tăng ca hay không thì trước khi ra về, tất cả công nhân phải dành 30 phút để khuân vác hàng hóa vào kho. Thế nên, ngày nào anh cũng về nhà vào lúc tối muộn mà thu nhập chỉ gần 10 triệu đồng/tháng.

lao-dong-1-1712293208.jpg
Nhiều người lao động vừa mừng vừa lo trước đề xuất giảm giờ làm

Anh bộc bạch, không tăng ca thì không có tiền, mà tăng ca thì ngày nào về đến nhà thì con cũng đã ngủ. Con gái anh mới 2 tuổi, đang được gửi ở nhà trẻ tư thục. Vợ chồng anh đều đi làm về trễ nên ngày nào con cũng phải ở lớp học muộn và được đón sau cùng. Đó là lý do vợ chồng anh đang bàn nhau có nên tìm một công việc khác ít tăng ca hơn.

Anh bảo, đề xuất giảm giờ làm khiến anh vừa mừng vừa lo bởi với thu nhập hiện nay của anh mà không tăng ca thì không đủ sống. Nếu giảm giờ làm, kéo theo giảm thu nhập nữa thì công nhân sẽ phải làm thêm công việc khác mới đủ lo cho gia đình.

Còn chị Hồ Thị Hồng Diệu (công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP. HCM) chia sẻ, chị lo việc giảm giờ làm sẽ kéo theo giảm lương. Chồng chị mất sớm, một mình chị làm việc nuôi 2 con nhỏ. Cuối năm 2023, công ty ít việc nên giảm giờ làm của công nhân. Thu nhập của chị những tháng này sụt giảm từ 8 - 9 triệu đồng/tháng xuống còn 6 - 7 triệu đồng/tháng. Để có thể trang trải cuộc sống, chị phải chật vật vay mượn của người thân, bạn bè. Đến lúc có lương, chị mới đem trả lại.

Chị Diệu cho biết, nếu giảm giờ làm mà thu nhập vẫn giữ nguyên thì tôi rất trông chờ. Bởi ai cũng mong có thời gian nghỉ ngơi, vun vén gia đình. Nhưng thực tế, thu nhập khi làm việc 48 tiếng/tuần như hiện nay mà gia đình chị còn không đủ sống, nếu giảm giờ làm kéo theo giảm thu nhập thì rất đáng ngại.

lao-dong-1712293207.jpg
Trước bất cứ đề xuất về thay đổi chính sách nào cũng cần có sự cân nhắc kĩ lưỡng, đúng thời điểm để dung hòa lợi ích

Chị Đoàn Ngọc Thủy, cán bộ công đoàn tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da tại huyện Bình Chánh, cho rằng dưới góc độ doanh nghiệp, rất khó để đồng thuận với đề xuất này bởi chi phí bị đội lên rất cao. Nếu chỉ khuyến khích thì không có chủ doanh nghiệp nào muốn áp dụng. Đứng ở góc độ người lao động, việc giảm giờ làm mà thu nhập không bị giảm sút thì rất có lợi cho họ. Thực tế, nhiều công nhân vì cuộc sống khó khăn mà đánh đổi sức khỏe và thời gian chăm lo cho người thân, gia đình để tăng ca kiếm thêm thu nhập.

Chị Thủy cho rằng, có sự chênh lệch thời giờ làm việc tại khu vực cơ quan, hành chính Nhà nước và công nhân lao động trực tiếp khi một bên áp dụng 40 giờ/tuần, còn một bên là 48 giờ/tuần. Việc giảm giờ làm theo đề xuất sẽ giúp tạo sự công bằng giữa hai khu vực. Tuy nhiên, trước bất cứ đề xuất về thay đổi chính sách nào cũng cần có sự cân nhắc kĩ lưỡng, đúng thời điểm để dung hòa lợi ích.

Trước kiến nghị giảm giờ làm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo gửi Chính phủ. Theo đó, việc giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn, để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa luật..

Hiện Bộ luật Lao động 2019 quy định giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần, nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Trường hợp theo tuần, thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-lao-dong-nua-mung-nua-lo-truoc-kien-nghi-giam-gio-lam-xuong-duoi-48-giotuan-2307.html