Theo các chuyên gia về công nghệ, việc tích hợp AI vào thực tiễn ngành nhân sự không chỉ giúp hợp lý hóa các quy trình mà còn phù hợp với nguyên tắc vận hành xuất sắc, giảm lãng phí và cải thiện chất lượng.
Nguyên tắc cốt lõi khi ứng dụng AI trong quản lý nhân sự là tập trung vào việc tối ưu hóa các quy trình, giảm thiểu sự kém hiệu quả và tối đa hóa giá trị. Nói một cách dễ hiểu, điều này có nghĩa là nâng cao trải nghiệm của nhân viên, cải thiện quy trình tuyển dụng. Đồng thời, đảm bảo các dịch vụ nhân sự được cung cấp với hiệu quả tối đa và lãng phí tối thiểu.
AI hỗ trợ phân tích các tập dữ liệu lớn có độ chính xác cao giúp người thực hiện đưa ra quyết định sáng suốt, thậm chí dự đoán xu hướng tương lai nhằm lên kế hoạch, chiến lược nhân sự phù hợp nhất với mỗi tổ chức.
Những ứng dụng AI trong lĩnh vực nhân sự đa dạng và có tính biến đổi gồm tự động hóa các công việc hằng ngày (xử lý bảng lương, quản lý phép) đến các hoạt động phức tạp hơn (thu hút nhân tài, phân tích mức độ gắn bó của nhân sự).
Việc quản lý và phát triển nhân tài cũng có thể được AI hỗ trợ thông qua sự phân tích, xác định mẫu và thông tin chuyên sâu trong dữ liệu hiệu suất của nhân viên. Mặt khác, chatbot và trợ lý ảo được điều khiển bằng AI có thể cung cấp cho nhân sự quyền truy cập vào các dịch vụ hỗ trợ, từ đó nâng cao trải nghiệm tổng thể của nhân viên.
Cách thức triển khai AI trong nhân sự đòi hỏi cần có cách tiếp cận chiến lược từ việc xác định xem lĩnh vực nào mà AI có thể mang lại nhiều giá trị nhất. Việc làm này sẽ liên quan đến quá trình tự động hóa các nhiệm vụ hành chính để tăng cường quy trình sàng lọc và lựa chọn ứng viên. Tuần tự triển khai AI trong ngành nhân sự được tiến hành như sau:
Bước 1 - Đánh giá nhu cầu: Trước tiên cần phải xác định rõ quy trình nhân sự nào sẽ nhận tác động lớn nhất từ tự động hóa nhờ AI?
Bước 2 - Lựa chọn công cụ thích hợp: Công cụ và nền tảng AI cần phù hợp với mục tiêu hoạt động của tổ chức và mục tiêu nhân sự.
Bước 3 - Thí điểm: Khi mới áp dụng chỉ nên triển khai AI với quy mô nhỏ để có đánh giá hiệu quả và mức độ mở rộng cần thiết trong tương lai.
Bước 4 - Đào tạo và phát triển: Cần trang bị cho chuyên viên nhân sự những kỹ năng cần thiết để ứng dụng các công cụ AI hiệu quả nhất.
Bước 5 - Giám sát và đánh giá: Nhằm đảm bảo đáp ứng chuẩn mục tiêu đã đề ra trước đó và điều chỉnh chiến lược nếu cần.
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến con người thường biến thiên với nhiều trường hợp khác nhau. Điều quan trọng trước tiên là cần tích hợp các giá trị con người vào AI để ứng dụng hiệu quả và có tính nhân văn. Tức cần thiết kế các hệ thống AI tôn trọng phẩm giá và quyền con người, đảm bảo tính công bằng, minh bạch.
Dữ liệu từ một cuộc khảo sát của trường kinh doanh Harvard cho thấy có đến 88% Giám đốc điều hành nhân sự cho biết rằng các công cụ AI của họ sẽ loại bỏ những ứng viên đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tuyển dụng thông thường. Bởi lẽ, mô tả công việc có quá nhiều tiêu chí, vì vậy tạo ra danh sách rất dài các yêu cầu để thuật toán kiểm tra trong hồ sơ. Và kết quả là thuật toán sẽ loại bỏ nhiều người ứng tuyển đủ điều kiện bởi chỉ cần thiếu một vài kỹ năng trong danh sách cũng đã không đạt tiêu chuẩn.
Thêm nữa là “khoảng trống việc làm” trong hồ sơ của ứng viên có thể kéo dài hơn 6 tháng có khả năng là các sự kiện quan trọng trong cuộc sống như thai sản, bệnh tật…Trong khi đó, AI không thể cung cấp được thông tin mang tính khái quát nhất về nhân sự đó. Vì vậy, chuyên gia nhân sự cần tìm hiểu sâu hơn lý do phía sau dữ liệu để thấu hiểu và đưa ra quyết định đúng đắn.
Vấn đề bảo mật dữ liệu là yếu tố mà các doanh nghiệp sử dụng các công cụ AI cần quan tâm. Bộ phận nhân sự phải đảm bảo với nhân viên rằng các thông tin cá nhân của họ được an toàn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần cân bằng giữa công nghệ và sự tham gia của con người để đạt được lợi ích tốt nhất.
Linh Trang
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/quan-tri-nhan-su-40-tang-cuong-ung-dung-cac-cong-cu-ai-2341.html