Đề xuất bỏ quy định "phải có văn bản xác định hạng nhà chung cư" trước khi bàn giao

VCCI cho rằng, việc phân hạng chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin để xác định chất lượng của nhà chung cư thì không nên quy định là thủ tục bắt buộc, gắn với việc phải hoàn thiện trước khi thực hiện bàn giao căn hộ. 

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đưa ra đề xuất góp ý bỏ quy định liên quan đến việc bàn giao nhà chung cư. Vấn đề này được quy định tại điều 25 Dự thảo Nghị định quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2023.

Theo đó, tại điểm e khoản 2 Điều 25 dự thảo quy định, trước khi thực hiện bàn giao căn hộ chung cư cho người mua và thuê mua, chủ đầu tư phải có văn bản xác định hạng nhà chung cư của cơ quan có thẩm quyền.

Về vấn đề này, VCCI cho rằng, yêu cầu bắt buộc phải có văn bản xác định hạng nhà chung cư trước khi thực hiện bàn giao căn hộ cần phải được xem xét lại. Bởi Luật Nhà ở 2023 không quy định bắt buộc về phân hạng nhà chung cư, trao quyền cho Chính phủ quy định về vấn đề này. Quy định tại dự thảo cũng không quy định rõ, mục tiêu của việc phân hạng nhà chung cư để làm gì? Hay nhằm mục tiêu quản lý nào?

Vì vậy, nếu việc phân hạng chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin để xác định chất lượng của nhà chung cư thì không nên quy định đây là thủ tục bắt buộc, gắn với việc phải hoàn thiện trước khi thực hiện bàn giao căn hộ. Từ đó, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định trên. 

giao-nha2-1712509043.jpg
Điều kiện bàn giao nhà chung cư là vấn đề quan trọng mà cả phía chủ đầu tư và người sở hữu cần nắm rõ.

Được biết, điều kiện bàn giao nhà chung cư là vấn đề quan trọng, cả phía chủ đầu tư và người sở hữu nhà chung cư cần nắm rõ. Bởi, nếu không đảm bảo điều kiện bàn giao có thể sẽ dẫn đến rủi ro pháp lý và vấn đề khác. 

Tại Khoản 3 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, chủ đầu tư dự án bất động sản có trách nhiệm chỉ được bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi việc xây dựng nhà, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật - xã hội đã hoàn thành theo tiến độ được duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung trong khu vực. 

Với trường hợp bàn giao nhà thô, toàn bộ phần mặt ngoài của nhà, công trình xây dựng đó cần phải được hoàn thiện. Như vậy, việc đảm bảo hoàn thành xây dựng công trình nhà chung cư là điều kiện đầu tiên để có thể thực hiện việc bàn giao nhà cho khách hàng.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2023, Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2025. Luật Nhà ở 2023 được đánh giá có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua với nhiều nội dung quan trọng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

nha-a-1712509246.jpg
Những quy định mới trong Luật Nhà ở 2023 sẽ tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp.

Nghiên cứu về Luật Nhà ở 2023, giới chuyên gia bất động sản cho rằng, luật đã đi theo xu hướng cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền và thu hẹp các loại "giấy phép con". Bên cạnh đó, việc cắt giảm các thủ tục pháp lý sẽ tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc.

Ngoài ra, những quy định mới trong luật sẽ tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tăng nguồn cung nhà ở và sớm đưa sản phẩm nhà ở đến với người tiêu dùng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp…

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, Luật Nhà ở 2023 về tổng thể rất tích cực. Nó phù hợp thực tiễn, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật.

Nguyên Nguyên

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/de-xuat-bo-quy-dinh-phai-co-van-ban-xac-dinh-hang-nha-chung-cu-truoc-khi-ban-giao-2365.html