UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường tại 69 điểm, diện tích 8.658m2 cho 6 doanh nghiệp để trông giữ xe ô tô. UBND quận cũng đang cấp phép sử dụng tạm thời hè phố ở 150 điểm để trông giữ xe công cộng, với diện tích 13.464m2 cho 5 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này gồm: Công ty cổ phần 901, Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, Công ty cổ phần Đồng Xuân, Công ty TNHH thương mại đầu tư Gia Khánh và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tùng Linh.
UBND quận còn cấp phép sử dụng tạm thời hè phố trực tiếp cho 40 cơ quan, đơn vị để trông giữ xe máy, xe đạp cho nhân viên, cán bộ với diện tích khoảng 2.500m2.
Với các bãi xe đã được cấp phép, UBND quận Hoàn Kiếm đã làm việc với các đơn vị liên quan để thực hiện thí điểm thu phí không dùng tiền mặt. Theo đó, hoạt động này sẽ được chia làm 2 giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn 1, quận sẽ thí điểm đối với các bãi trông xe máy và ô tô từ ngày 15/4/2024. Quá trình thí điểm, quận sẽ thực hiện nhân rộng. Cụ thể các đơn vị và các bãi xe: Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tại điểm trông giữ xe ô tô tại Trần Nhật Duật (bãi xe giàn thép cao tầng); Điểm trông giữ xe ô tô tại lề đường phố Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh; Điểm trông giữ xe ô tô tại Bãi Đá (cạnh cây xăng); Điểm trông giữ xe tại hè phố Phủ Doãn.
Công ty TNHH TMDV Tuyết Tùng: Điểm trông giữ xe máy tại hè phố Triệu Quốc Đạt.
Tại các điểm trông giữ xe máy tại hè phố Phủ Doãn được giao cho Công ty cổ phần 901, Công ty TNHH TMDV Tùng Linh, Công ty TNHH TMDV Tâm Đắc.
Công ty cổ phần Đồng Xuân: Điểm trông giữ xe đạp xe máy tại gầm cầu Chương Dương; Điểm trông giữ xe ô tô lề đường phố Nguyễn Hữu Huân, Lê Thánh Tông, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Nguyễn Văn Linh.
Giai đoạn 2 sẽ thực hiện hoàn thành việc trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong quý II.
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc thí điểm này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Người dân có thể tra cứu tuyến đường, xác định điểm đỗ trước khi tới để giảm thời gian tìm kiếm. Các thông tin về thời gian gửi, đặt chỗ, mức phí… đều được công khai. Các doanh nghiệp thì dễ dàng quản lý được số lượt, số tiền trông giữ phương tiện, tránh thất thoát như khi sử dụng tiền mặt thanh toán, quản lý nhân viên, tăng hiệu quả lao động, sản xuất kinh doanh.
Việc thí điểm này giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước như: Đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thu thuế từ hoạt động trông giữ phương tiện. Đồng thời hoạch định được quy hoạch, kiến trúc và dự báo chiến lược phát triển, quy hoạch đô thị.
Thí điểm này còn phục vụ tốt việc quản lý của thành phố, là công cụ để giúp quản lý tài chính hiệu quả, minh bạch, tránh thất thoát và từng bước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chọn Hà Nội xây dựng thành phố thông minh.
Việc thí điểm thu phí không dùng tiền mặt cũng giúp lập và đảm bảo trật tự giao thông; trật tự xây dựng, quản lý đô thị; hạn chế các vấn đề tiêu cực; phân cấp quản lý và theo dõi, giám sát quản lý hiệu quả.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ha-noi-16-diem-trong-xe-thu-phi-se-khong-dung-tien-mat-2367.html