Tháng 7.2021 dự án xây dựng đường vành đai TP. Đà Lạt chính thức được khởi công. Dự án này có vốn đầu tư 870 tỷ đồng với chiều dài hơn 7,4km. Tuyến đường này có điểm đầu kết nối với đường Trúc Lâm Yên Tử (giao với đèo Prenn), điểm cuối tuyến là ngã tư giao với đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Đình Quân (TP. Đà Lạt).
Theo dự kiến, tuyến đường vành đai sẽ hoàn thiện vào tháng 6/2023. Tuy nhiên tiến độ thi công không đạt như kỳ vọng, sau đó phải gia hạn đến cuối năm 2024.
Hiện nay tuyến đường có tiến độ thi công rất chậm, mới chỉ đạt khoảng 59% giá trị khối lượng.
Nguyên nhân chậm tiến độ là do một số điều chỉnh ở vài hạng mục, bên cạnh đó là những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù.
Thời điểm cuối tháng 3/2024, dự án mới chỉ bàn giao khoảng 6,4km trong tổng số 7,4km mặt bằng để nhà thầu triển khai công việc.
Tuyến đường này tuy không dài nhưng lại chạy qua địa phận phường 3, phường 4 và phường 5 của TP. Đà Lạt.
Sở GTVT Lâm Đồng và các đơn vị nhà thầu cho biết, dự án sẽ rất khó hoàn thành vào cuối năm 2024 theo quyết định điều chỉnh của UBND tỉnh nếu như không sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Thực tế từ đầu năm đến nay, đã nhiều lần các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành GTVT tổ chức kiểm tra hiện trường để nắm bắt tình hình đồng thời có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Tuy vậy, theo đánh giá thì tiến độ thi công các cơ sở hạ tầng của dự án vẫn còn rất chậm.
Lãnh đạo Sở GTVT cho hay, quá trình triển khai dự án đường vành đai TP. Đà Lạt có hơn 100 hộ gia đình, 1 cơ sở tôn giáo và 7 tổ chức bị ảnh hưởng.
Cơ quan chức năng đã phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường tổng số tiền 381 tỷ đồng cho các hộ dân, tổ chức, cở sở tôn giáo trên địa bàn 3 phường.
Do chưa đồng thuận với quyết định giải phóng mặt bằng, chưa được bố trí đất tái định cư nên đến thời điểm này vẫn còn 30 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với số tiền hơn 41,2 tỷ đồng. Để tháo gỡ ách tắc và có mặt bằng thi công, Sở GTVT đã tham mưu và đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND TP. Đà Lạt tổ chức cưỡng chế đối với 8 hộ dân (đã có quyết định vưỡng chế).
Mặt khác, cơ quan chức năng cần sớm giải quyết đơn kiến nghị cho 9 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công. Khi đã giải quyết đơn và vận động thuyết phục nhưng 9 hộ này vẫn không nhận tiền đền bù, không bàn giao mặt bằng thì sẽ tiến hành cưỡng chế.