Khi Simon Harris (37 tuổi) trở thành Thủ tướng tương lai của Ireland vào tháng 3 vừa qua, ông đã chuyển sang sử dụng nền tảng mạng xã hội được bản thân ưa thích là TikTok. Trong một video đăng tải có dòng chữ “Cảm ơn” của mình, ông đã chia sẻ với 95.000 người theo dõi về hành trình vươn lên từ một “thiếu niên cố chấp, ủ rũ”, phải vật lộn vì thiếu sự giúp đỡ về mặt giáo dục cho anh trai mắc chứng tự kỷ của mình cho đến bản thân ngày nay.
Simon Harris cũng là chính trị gia đầu tiên của nước này sử dụng TikTok từ tháng 3/2021, ông đã tạo ra những video ngắn với nội dung là một bản tóm tắt kinh phí hay cảnh đời sống thường nhật, pha một tách trà khi xem bóng đá…
Không chỉ chính trị gia người Ireland, Tổng thống Pháp Emmanuel Maccom hiện cũng đang có tới 4 triệu người theo dõi trên TikTok. Vị tổng thống này gia nhập nền tảng từ năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đức là Karl Lauterbach cũng là bộ trưởng đầu tiên của nước này mở tài khoản TikTok vào tháng 3 năm nay, mở đầu cho một xu hướng mới hơn với các chính trị gia cởi mở. Tiếp theo đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã tham gia mạng xã hội này.
Việc các chính trị gia tham gia và sử dụng mạng xã hội TikTok cũng như nhiều mạng xã hội khác bao gồm Instagram, được cho là để dễ dàng tiếp cận hơn với các cử tri trẻ tuổi.
Điều này đang đi ngược lại với điều lo ngại của nhiều chính trị gia khác đối với nền tảng video ngắn của ByteDance – công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trước đó, các cơ quan an ninh của Đức cũng đã cảnh báo không nên sử dụng TikTok vì lo ngại nó có thể chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc hoặc được sử dụng để gây ảnh hưởng tới người dùng.
Anh và Áo cũng đã cấm TikTok trên điện thoại và các thiết bị làm việc của nhân viên chính phủ vào năm ngoái.
Tại Mỹ, các nhà lập pháp cũng đang cố gắng để ép ByteDance phải thoái vốn nếu không muốn nền tảng bị cấm tại các cửa hàng ứng dụng trên đất nước này.
Về các cảnh báo và lo ngại kể trên, TikTok đã nhiều lần lên tiếng phản đối, cho là thiếu căn cứ. Họ không thu thập nhiều thông tin hơn các ứng dụng khác và cũng đã nỗ lực tìm ra các giải pháp để trung hòa các bên.
Ủng hộ gia nhập TikTok, tuy nhiên các chính trị gia như Lauterbach cũng có những góc nhìn đầy cẩn trọng về mạng xã hội này. Để tránh rò rỉ dữ liệu, ông đã mua một chiếc điện thoại riêng để sử dụng TikTok.
Nhóm của Tổng thống Pháp thừa nhận tính hữu ích của TikTok, tuy nhiên cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải có quy định riêng biệt đối với nó. Một cố vấn giấu tên nói với Reuters: “Chúng ta không thể bỏ qua nhóm dân số này (người dùng TikTok), đại đa số họ không xem tin tức truyền hình hoặc đọc báo chí”.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters năm ngoái cho thấy, ngày càng có ít người đặt niềm tin vào các phương tiện truyền thông truyền thống và chuyển sang xem tin tức trên mạng xã hội nhiều hơn. TikTok là mạng xã hội phát triển nhanh nhất trong báo cáo, được 20% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi sử dụng để xem tin tức mỗi ngày.
Ở Anh, bộ trưởng cao cấp nhất sử dụng TikTok là Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps. Khi lệnh cấm TikTok đối với các thiết bị của chính phủ được công bố, Shapps đã phản hồi trên nền tảng này bằng một đoạn clip từ bộ phim "Wolf of Wall Street" năm 2013, trong đó nhân vật Jordan Belfort của Leonardo DiCaprio tuyên bố: "Tôi sẽ không rời đi". Shapps nói thêm rằng, ông chưa bao giờ sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ và lệnh cấm là hợp lý.
Bỉ đã cấm các bộ trưởng và công chức cài đặt TikTok trên các thiết bị chính thức của họ nhưng các chính trị gia đã lách luật bằng cách sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị riêng biệt.
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bat-chap-nhung-lo-ngai-ve-an-ninh-ngay-cang-co-nhieu-chinh-tri-gia-chau-au-su-dung-tiktok-2392.html