TP. HCM: Người dân thắt chặt chi tiêu khi nhiều mặt hàng tăng giá

Chị Đặng Phương Thảo một công nhân tại quận Bình Tân chia sẻ, chị thuê trọ một mình. Trước đây mỗi ngày chi khoảng 50.000 đồng để mua thức ăn, nhưng thời gian gần đây phải tốn khoảng 70.000 đồng, bởi các loại thực phẩm đều tăng giá.

Hôm nào cũng vậy, chị Nguyễn Thảo Vi đi chợ sớm để mua thực phẩm ăn cả ngày cho gia đình. Chị Vi đang làm công nhân tại một công ty giày da ở quận Bình Tân (TP. HCM). Chị chia sẻ, vợ chồng chị đều là công nhân, lương thấp, còn nuôi 2 con nhỏ nên chị luôn cố gắng thắt chặt chi tiêu. Nhưng từ ra Tết Nguyên đán đến nay, tiền đi chợ mua đồ ăn trong nhà đã tăng gấp rưỡi bởi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mắm, bột mì… tăng giá, ngay rau, thịt ăn hàng ngày cũng tăng.

Chị Đặng Phương Thảo - công nhân tại quận Bình Tân chia sẻ, chị thuê trọ một mình. Trước đây đi chợ, chị thường chi khoảng 50.000 đồng để mua rau, thịt hoặc cá nấu trong ngày cho một người ăn. Nhưng gần đây, chị phải tốn khoảng 70.000 đồng mới mua đủ đồ nấu ăn trong ngày. Chị thấy một số mặt hàng đã tăng giá.

dieu-chinh-gia-1712720450.jpg
Người dân thắt chặt chi tiêu khi nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá

Bà Thanh Trúc - chủ cửa hàng tạp hóa trên đường 3 tháng 2 (quận 10) cho biết, dầu ăn, sữa, bột mì… đã tăng giá khoảng 3.000 - 5.000 đồng so với đầu năm 2024. Bà được đại lý thông báo vì giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng nên giá thành phẩm cũng phải tăng theo. Mức giá nhập vào cao, bà buộc phải bán cao cho khách mua lẻ. Để giữ mối, bà Trúc thường tặng kèm quà cho khách.

Còn anh Nguyễn Văn Hoài - chủ một quán cà phê tại quận 3 cho hay, giá cà phê hạt, đường… tăng vọt nên quán của anh buộc phải tăng nhẹ giá đồ uống. Anh có thông báo tới khách khi họ mua hàng để mong được thông cảm. Anh Hoài bảo, không chỉ quán của anh mà nhiều quán ăn, uống đã điều chỉnh giá tăng 2.000 - 3.000 đồng vì giá nguyên liệu tăng.

Hiện nay, sức mua tại các chợ truyền thống, cửa hàng vẫn ở mức thấp nhưng một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu lại có xu hướng leo thang. Tình trạng giá các mặt hàng thiết yếu liên tục biến động đã khiến đời sống của người lao động thêm phần khó khăn. Nhiều người vì giá cả neo cao nên cũng ngại chi tiêu hơn để tiết kiệm chi phí.

Trước những biến động này của thị trường, Sở Tài chính TP. HCM đã điều chỉnh giá một số mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường nhằm giúp người dân được mua hàng với mức giá ổn định và đảm bảo.

Cụ thể, Sở Tài chính TP. HCM cho biết, có 10 nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu tham gia bình ổn thị trường năm 2024 - 2025. Theo đó, có 1 nhóm hàng đề nghị tăng giá là thịt heo (tăng 10-18%), 3 nhóm hàng đề nghị giảm giá là thịt gia cầm, trứng gia cầm và thực phẩm dinh dưỡng (giảm 2-7%) và 6 nhóm hàng còn lại giữ nguyên giá.

dieu-chinh-gia-1-1712720450.jpg
Theo quy định của chương trình bình ổn thị trường, thịt lợn đủ điều kiện điều chỉnh giá tăng bình quân 10.000 đồng/kg

Mặt hàng thịt lợn, từ đầu năm 2024 đến nay, giá lợn hơi tăng với bình quân 60.500 đồng/kg. Mức này tăng 18,6% so với thời điểm điều chỉnh giá thịt lợn ngày 21/12/2023. Căn cứ quy định của chương trình bình ổn thị trường, thịt lợn đủ điều kiện điều chỉnh giá tăng bình quân 10.000 đồng/kg (9,19%), tương đương với mức biến động giá lợn hơi.

Về thịt gia cầm, hiện có 3 doanh nghiệp tham gia phân phối là Công ty TNHH San Hà, Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình và Saigon Co.op. Hiện Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình đề xuất giá thịt gà công nghiệp bằng năm 2023. Ức gà làm sẵn đóng bao PP giá 65.000 đồng/kg, cánh gà 70.000 đồng/kg...

Công ty TNHH San Hà đề xuất giảm 1.500 đồng/kg thịt gà ta còn 91.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg thịt gà công nghiệp còn 48.000 đồng/kg và giảm 2.000 đồng/kg gà thả vườn còn 74.000 đồng/kg.

Về mặt hàng trứng gà, Công ty cổ phần Ba Huân, Công ty Vĩnh Thành Đạt và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh tại Đồng Nai đăng ký giảm 2.000 đồng từ 33.500 đồng/chục xuống 31.500 đồng/chục. Về trứng vịt, Công ty cổ phần Ba Huân và Công ty Vĩnh Thành Đạt cũng đăng ký giảm 2.000 đồng từ 38.500 đồng/chục xuống 36.500 đồng/chục.

Sở Công Thương TP. HCM cũng cho hay, chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố năm nay có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia chương trình có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.

Vũ Dũng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-nguoi-dan-that-chat-chi-tieu-khi-nhieu-mat-hang-tang-gia-2426.html