Ngày Tết Hàn thực bắt nguồn từ phong tục của người Trung Quốc du nhập vào nước ta và được lưu truyền đến nay. Phong tục này liên quan đến câu chuyện giữa vua nước Tấn là Tấn Văn Công và hiền sĩ Giới Tử Thôi.
Theo tác giả Tô Như, Giới Tử Thôi không phải tên thật của ông. Ông tên gọi Giới Chi Thôi (介之推), gọi tắt là Giới Thôi. Sau này cảm mến tấm lòng của ông nên hậu thế gọi là Giới Tử (ông họ Giới, ngài Giới), nhân đó ghép thành Giới Tử Thôi.
Việc này giống với chuyện cụ Chu An ở nước ta. Cụ được ban thụy Văn Trinh, gọi là Văn Trinh công (ngài Văn Trinh), Chu Văn Trinh (ông Văn Trinh họ Chu)... Thế rồi, người ta (hình như là cụ Trần Trọng Kim khởi xướng) ghép chung thành Chu Văn An, dính luôn thành tên chính thức.
Giới Tử Thôi được gắn với Tết Hàn Thực (mùng 3 tháng Ba âm lịch) là do cố sự ở thời Xuân Thu. Giới Tử có công tòng vong theo hầu công tử Trùng Nhĩ nước Tấn (sau thành Tấn Văn Công), từng vì Trùng Nhĩ đói mà tự cắt thịt đùi mình nấu cháo dâng chủ. Sau khi Văn Công về nước và lên ngôi, Giới Tử không muốn nhận thưởng, liền trốn lên Miên Sơn.
Muốn gọi ông về triều để ban thưởng mà Giới Tử không chịu nên Văn Công đã thân hành tới Miên Sơn. Giới Tử vẫn trốn biệt trên núi không xuống. Văn Công tức giận nên sai quân phóng hỏa đốt núi hòng ép ông phải xuống. Lửa cháy tới tàn, quân sĩ lên núi tìm thì thấy Giới Tử ôm thân cây mà chết. Văn Công đau lòng vô cùng, liền lệnh cho dân chúng lấy ngày này làm ngày kỷ niệm Giới Tử, không ai được nổi lửa đun nấu mà phải ăn đồ nấu sẵn từ hôm trước, do đó gọi là Hàn thực - ăn đồ nguội.
Tục truyền, Tấn Văn Công còn sai đẽo gốc cây nọ thành đôi guốc mộc mà đi. Mỗi khi xỏ chân vô guốc, lại than thở "Bi tai túc hạ" (thương thay vật dưới chân). Từ đó, "túc hạ" trở thành cách xưng hô của những người ngang hàng.
Tuy nhiên, Sử ký - Tấn thế gia lại không hề chép như vậy. Tư Mã Thiên viết rằng, sau khi Giới Tử bỏ đi có treo bức thư ở cửa cung. Thư viết: "Có con rồng muốn bay lên trời, năm con rắn theo hầu. Nay rồng đã bay lên mây, bốn con rắn được thưởng vào nơi miếu điện, chỉ có một con rắn một mình tự oán. Cuối cùng không biết đi về đâu".
Văn công đọc thư, nói rằng: "Đây là Giới Tử Thôi. Ta bận bịu chuyện vương thất mà quên mất công lao của ông ta". Văn Công sai người tới triệu thì Giới Tử đã bỏ đi rồi. Hỏi thăm thì biết, ông đã lên Miên Sơn. Tấn Văn Công liền đem Miên Sơn phong cho Giới Tử Thôi làm Giới Thôi điền (đất của Giới Thôi), gọi là Giới Sơn để "ghi lại lỗi của ta mà cũng để thưởng người hiền".
Tóm lại, Giới Tử vẫn là hiền nhân quân tử trong lịch sử, nhưng ông không hề bị Tấn Văn Công phóng hỏa thiêu cháy, đó chỉ là dân gian nhân tiết Hàn thực gắn câu chuyện hư cấu này vào mà thôi. Vả lại, Tấn Văn Công chỉ là vua nước Tấn, làm sao có thể khiến cho toàn dân Trung Quốc phải tưởng nhớ Giới Tử cho được!
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam, Tết Hàn thực đã mang ý nghĩa hoàn toàn khác, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. Tết Hàn thực của người Việt mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất. Vào ngày này, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên.
Với mỗi mâm cúng thì quan trọng nhất chính là sự thành tâm của gia chủ. Do đó, việc chuẩn bị lễ cúng tiết Hàn thực cũng không cần quá cầu kỳ, tùy vào điều kiện của gia chủ mà bày biện phù hợp. Mâm cúng Tết Hàn thực dâng lên thần linh, tổ tiên cơ bản có những món sau: Bánh trôi, bánh chay, nhang, trầu cau, hoa quả tươi.
Dân gian quan niệm số lẻ sẽ đem lại may mắn, do đó số lượng bánh trôi, bánh chay cúng thường là 3 hoặc 5 bát bánh. Lưu ý, khi cúng phải dùng hoa quả tươi, tránh dùng hoa quả giả. Nếu không có điều kiện làm bánh trôi, chay thì gia đình có thể chỉ cần bày 1 đĩa quả tươi, thành tâm trong mâm lễ cúng Tết Hàn thực là được.
Dưới đây là bài cúng Tết Hàn thực theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hoá Thông tin):
Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, huynh đệ, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ chúng con là… ngụ tại…
Hôm nay là ngày… (đọc ngày theo âm lịch) gặp tiết Hàn thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.
Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/su-that-ve-tet-han-thuc-va-nghi-le-cung-the-nao-cho-dung-2442.html