Nam bộ nói chung và TP. HCM nói riêng vẫn đang trải qua những ngày nắng nóng kéo dài. Theo cơ quan khí tượng dự báo, từ ngày 12 đến ngày 20/4, ở khu vực trung tâm TP. HCM sẽ có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng 35 - 38 độ, một vài ngày có thể lên tới 39 và trên 39 độ C.
Thực tế ghi nhận nhiệt độ ngoài trời cao hơn mức dự báo 2 - 4℃. Nhiệt độ cao, độ ẩm chỉ ở mức 30 - 40% khiến cảm giác càng thêm oi bức khó chịu. Thời gian nắng nong trong ngày kéo dài từ 12 - 16 tiếng. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, những ngày tới nắng nóng ở các tỉnh phía Nam tiếp tục duy trì, có thể kéo dài đến tháng 5.
Trước tình hình thời tiết trên, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM đã yêu cầu hiệu trưởng các trường điều chỉnh thời khóa biểu cũng như các hoạt động ngoài trời của học sinh sao cho phù hợp với thời tiết nắng nóng hiện nay.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM yêu cầu các trường lưu ý về thời gian học, hoạt động các môn giáo dục thể chất, quốc phòng an ninh cùng các hoạt động ngoài trời, ngoại khóa. Các trường cũng hạn chế hoạt động như xếp hàng lên lớp, xếp hàng điểm danh tại thời điểm nắng nóng để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh.
Trước đó, nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh, nhiều trường ở TP. HCM đã triển khai các giải pháp chống nắng nóng như tăng cường bố trí quạt, nước uống trong khuôn viên trường, dựng mái che di động, dù lớn dưới sân...
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho biết, để chống nóng, nhà trường đã mua thêm 12 cây nước lạnh, kê dọc các hành lang, đồng thời thuê ô che toàn bộ sân trường nhằm giảm ánh nắng chiếu trực tiếp, bảo trì hệ thống quạt, máy lạnh.
Các giờ thể dục, học giáo dục quốc phòng được chuyển lịch sang đầu giờ sáng hoặc cho học sinh học trong phòng đa năng. Nhà trường cũng nhắc nhở học sinh uống đủ nước, mang theo mũ nón che chắn khi di chuyển dưới trời nắng.
Ông Nguyễn Quang Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) chia sẻ, nhà trường đã trao đổi với tổ trưởng bộ môn giáo dục thể chất và an ninh quốc phòng về thời gian các tiết học trong giai đoạn nắng nóng hiện nay. Giáo viên sẽ tổ chức để học sinh vận động nhẹ nhàng tại khu vực thoáng mát, tránh các hoạt động có cường độ cao, mạnh.
Còn ở Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), nhà trường đã rà soát quạt điện, điều hòa, quạt thông gió… để kịp thời thay thế, sửa chữa các thiết bị hỏng hóc tại các phòng học nhằm chống nóng cho học sinh. Song song, nhà trường cũng tiến hành che chắn hướng nắng chiếu vào phòng học, nhắc nhở và tuyên truyền học sinh tăng cường uống nước.
Ở khối mầm non, việc bố trí linh hoạt các hoạt động cho học sinh tuy thuận lợi hơn nhưng nhiều nhà trường vẫn tăng cường các biện pháp đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Đặc biệt, thực đơn được xây dựng phù hợp nhằm đảm bảo bù đủ nước và cung cấp chất bổ dưỡng, vitamin, tăng cường rau xanh, quả chín... cho trẻ.
Trời nắng nóng kết hợp với chỉ số tia cực tím (UV) ở mức cao tác động rất lớn tới sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1) ghi nhận nhiều trẻ nhập viện vì nắng nóng. Thống kê của bệnh viện, từ đầu năm đến nay, số lượng trẻ đến khám về các bệnh liên quan thời tiết nắng nóng dao động từ 15.000-26.000 trẻ mỗi tháng, tương đương 600 - 900 lượt khám mỗi ngày.
Các nhóm bệnh thường gặp ở trẻ mùa này là bệnh tiêu hóa (tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột), đường hô hấp, sốt phát ban. Bên cạnh đó, nhiều trẻ còn bị say nắng.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-nhieu-truong-hoc-dieu-chinh-thoi-khoa-bieu-de-doi-pho-voi-nang-nong-2477.html