Ngày 10/10/2023 dự án đường nối Đại lộ Thăng Long với cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình chính thức khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng, chủ đầu tư là BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hà Nội. Trong đó, có 2.000 tỷ là nguồn vốn được Trung ương bố trí. Dự kiến tới năm 2026 sẽ thi công hoàn thiện.
Tuyến đường nối có chiều dài 6,7km, quy mô mặt cắt ngang 120 - 180m, 6 làn xe. Trên tuyến có 5 hầm, 4 cầu vượt sông và vượt đường ngang. Điểm đầu từ nút giao cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21 thuộc xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất), điểm cuối tại Km6+700 cao tốc Hà Nội - Hòa Bình thuộc xã Yên Bình (huyện Thạch Thất).
Mục tiêu xây dựng tuyến đường nối nhằm góp phần hoàn chỉnh toàn bộ đường cao tốc Hà Nội – Hòa Bình, phát triển mở rộng Hà Nội về phía Tây. Đồng thời đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải ngày càng lớn giữa khu vực trung tâm và phía Tây thành phố. Bên cạnh đó còn là động lực phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc và chuỗi đô thị vệ tinh phía Tây…
Trước đó, tại lễ khởi công dự án, ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư phải thi công nhanh chóng, hoàn thành dự án đúng tiến độ và đáp ứng đủ yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội cũng giao các cơ quan liên quan phối hợp triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Để thực hiện dự án, có khoảng 105,8ha mặt bằng cần được thu hồi, giải phóng. Tuy nhiên sau 6 tháng khởi công, dự án này vẫn đang chịu cảnh “bất động”. Mãi tới ngày 15/4/2024, chủ đầu tư dự án mới tiến hành khoan mũi khoan đầu tiên.
Liên quan đến dự án, mới đây Phó Giám đốc BQL đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hà Nội – ông Đỗ Việt Hưng cho biết, sáng 15/4 đơn vị thi công đã tiến hành mũi khoan đầu tiên. Suốt 6 tháng qua, chủ đầu tư mới chỉ nhận được 7ha đất nông nghiệp do UBND huyện Thạch Thất bàn giao. Vì vậy chủ đầu tư không có mặt bằng để triển khai.
Theo kế hoạch đã bàn bạc giữa các bên liên quan, để triển khai dự án, trong tháng 4 huyện Thạch Thất sẽ bàn giao toàn bộ diện tích đất của các đơn vị, tổ chức và đất nông nghiệp cho chủ đầu tư.
Ông Hưng lo ngại, với khối lượng mặt bằng lên tới 105ha, nếu không sớm bàn giao thì tiến độ dự án khó có thể hoàn thành vào năm 2026.
Theo tìm hiểu, dự án này được chia làm 3 gói thầu là các gói thầu 31, 32, 33. Trong đó, gói thầu 31 sẽ thi công 3 cầu trên tuyến và 2km đường, thời gian thực hiện trong 22 tháng; gói thầu 32 thi công 1 cầu và 4km đường, thời gian thực hiện 28 tháng, trước đó tháng 12/2023 gói thầu này đã được ký kết với đơn vị thi công; gói thầu số 33 sẽ triển khai các hạng mục còn lại.
Hiện nay, trong khi chủ đầu tư nói trách nhiệm giải phóng mặt bằng thuộc về huyện Thạch Thất thì lãnh đạo UBND huyện lại cho rằng trách nhiệm là của chủ đầu tư. Lãnh đạo huyện này cho hay, nguyên nhân là do chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng giải phóng mặt bằng với Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện Thạch Thất.
Với tình trạng trách nhiệm “vòng tròn” như hiện nay, dự án trọng điểm này đang rơi vào cảnh có tiền nhưng không được tiêu. Có lẽ tới năm 2026, dự án chữa chắc đã thi công hoàn thiện và đưa vào sử dụng như kỳ vọng của lãnh đạo TP. Hà Nội.
Hà Lan