Nghị quyết 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững đã gỡ được nhiều nút thắt về cơ chế, chính sách, đặc biệt là về tín dụng tạo chuyển biến tích cực trên toàn thị trường nhất là đối với các dự án nhà ở xã hội.
Đến nay trên cả nước, cơ bản đã hoàn thành hơn 300 dự án nhà ở xã hội với quy mô 150 ngàn căn. Các dự án đang triển khai và đã được chấp thuận chủ trương đạt trên 400 dự án. Trên thực tế, nhu cầu về nhà ở có giá cả hợp lý cho công nhân, người thu nhập thấp là rất lớn. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các dự án hiện nay liệu có đáp ứng kịp nhu cầu người dân hay không và có đạt mục tiêu Chính phủ đề ra hay không?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Nghĩa – Trưởng ban quản lý dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ ra những khó khăn mấu chốt cản bước phát triển nhà ở công nhân hiện nay.
Hơn 1,2 triệu lao động cần nhà ở
Ông Nghĩa cho biết, nhà ở xã hội và nhà ở công nhân được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Đặc biệt, ngày 3/4/2023 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 338/QĐ-TTg dựa trên đề xuất của Bộ Xây dựng đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. “Vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo Trưởng ban quản lý dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số lượng cán bộ, công nhân viên lao động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất lớn.
“Theo báo cáo và thống kê của Bộ kế hoạch và Đầu tư, cả nước có khoảng 400 khu công nghiệp, trong đó 290 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng số lực lượng lao động hiện nay vào khoảng 27 triệu người lao động. Và nhu cầu của người lao động hiện nay, có khoảng 1,2 triệu người lao động có nhu cầu để mua nhà ở để an cư lạc nghiệp để lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất”, ông Nghĩa thông tin.
Được biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện từ năm 2017 đến nay là Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. “Tuy nhiên, cơ chế chính sách vẫn đang vướng rất nhiều. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã làm việc với Bộ Xây dựng và đã có những điều chỉnh trong quy định pháp luật hiện nay để thực hiện”, ông Nghĩa thông tin.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện nay, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội kỳ này để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư về nhà ở xã hội cho công nhân để thuê chứ không có mua để bán. Đây là một nội dung hết sức cấp bách đối với công nhân và người lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhu cầu thuê trong tổng số mua ở và thuê chiếm khoảng 50%-55%. Như vậy nhu cầu thuê rất cao. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, nếu đầu tư để cho thuê thì các doanh nghiệp đầu tư bất động sản sẽ rất hạn chế bởi nhu cầu và hiệu quả kinh tế sẽ không cao so với đầu tư để bán và cho thuê, thuê mua.
Nhận diện vướng mắc cản trở việc xây dựng nhà ở xã hội
Đối với một số vướng mắc hiện nay, sau thực hiện các nội dung, các Bộ, ban, ngành đã xem xét, rà soát kĩ lưỡng các tiêu chí về đối tượng mua nhà ở. Về phía Bộ Xây dựng, ông Nghĩa cho biết cũng đã rất thẳng thắn và ghi nhận ý kiến từ các đơn vị, hộ dân có nhu cầu mua. “Tiêu chí mua trước đây rất rườm rà, sau khi tổng hợp lại các quy chế, tiêu chí Bộ Xây dựng cũng đã có quyết định lại nội dung, phương án mua và thủ tục mua rõ ràng hơn”, ông Nghĩa cho biết.
Về thủ tục đầu tư, theo ông Nghĩa chúng ta cũng đang có nhiều vướng mắc. Cụ thể, hiện nay xây dựng nhà ở xã hội theo quy định pháp luật thì không phải đóng quyền sử dụng đất, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải thành lập thủ tục để hoàn thiện tất cả các khâu liên quan đến đánh giá, thủ tục, giấy tờ thì chúng ta mới xây dựng được quyết định về sử dụng đất. Điều này cũng khiến kéo dài thời gian, tiến độ từ 6 tháng thậm chí đến 1 năm. Thậm chí khi giải quyết về mặt bằng, một số địa phương mặc dù có nhu cầu phát triển nhà ở công nhân nhưng công tác giải phóng mặt bằng còn chậm. Lý do bởi, nguồn lực của các địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng vẫn còn hạn chế, dẫn đến tốc độ hiện nay chúng ta cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến công tác đầu tư bị chậm.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện nay, các khu quy hoạch nhà ở xã hội đa số mới chỉ có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, tức là quy hoạch xây chỉ có 5 tầng. Tuy nhiên, tất cả các nhà đầu tư đến thì lựa chọn xây cao tầng. Như vậy, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh quy hoạch mất rất nhiều thời gian. “Chính vì vậy công tác quy hoạch, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của các tỉnh rất mong được quy hoạch mở để khi thực hiện vấn đề quy hoạch chi tiết không còn phải điều chỉnh quy hoạch. Đây là một trong những vướng mắc của khâu xây dựng nhà ở xã hội hiện nay”, ông Nghĩa đề xuất.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-chi-ra-vuong-mac-can-tro-viec-phat-trien-nha-o-cong-nhan-271.html