Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 770 ca mắc tay chân miệng với 16 ổ dịch, không có trường hợp tử vong. So với năm 2023, số ca mắc tăng 85%.
Riêng tuần qua, đã xuất hiện 6 ổ dịch tay chân miệng với 186 trường hợp mắc mới. Các ổ dịch này nằm tại Ba Vì, Thanh Oai, Phúc Thọ và Hoàng Mai. Hiện thành phố có 8 ổ dịch đang hoạt động. Phần lớn các ổ dịch ở trường mầm non.
Còn trên cả nước, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 2,3 lần. Số ca mắc tay chân miệng có đến trên 90% là trẻ dưới 5 tuổi.
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cảnh báo, Hà Nội đang bước vào đỉnh dịch tay chân miệng chu kỳ lần 1 trong năm. Dịch tay chân miệng thường có 2 chu kỳ đỉnh dịch mỗi năm là vào tháng 4 - 5 và tháng 9 - 10. Thế nên, thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm nhiều ca mắc và ổ dịch mới. Vì vậy, ngành y tế và nhà trường cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp để phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch hiệu quả, nhanh chóng.
Để ngăn dịch lây lan rộng, CDC Hà Nội đã tập huấn hướng dẫn giám sát và phòng bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế tại các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, cơ quan này cũng kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh tại các quận, huyện.
Về phía Sở Y tế Hà Nội, đơn vị đã chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động xử lý dịch triệt để bằng cách tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống bệnh tại các trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch, không để bệnh tay chân miệng lây lan rộng.
Cùng với đó, ngành y tế tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong trường học, cơ sở giáo dục; tuyên truyền cho phụ huynh học sinh các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ. Các trường cần chú trọng vệ sinh dụng cụ cá nhân của trẻ như cốc, khăn mặt, đồ chơi… và cần tổ chức tổng vệ sinh hàng tuần.
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn. Bệnh tay chân miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, phù phổi cấp, viêm não... thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời.
Lãnh đạo CDC Hà Nội khuyến cáo, hiện bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, do đó quan trọng nhất vẫn là người dân chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ. Nếu phát hiện trẻ bị tay chân miệng thì phải sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về dùng.
Ngoài ra, để ngăn chặn sự lây nhiễm cho trẻ khác trong môi trường học đường, trẻ mắc bệnh cần nghỉ học ít nhất 10 ngày từ khi khởi phát bệnh. Nếu trong nhà có nhiều trẻ cùng chung sống thì nên cách ly tuyệt đối, khuyến khích trẻ bệnh không chơi chung với trẻ lành trong thời gian mắc bệnh, cần giám sát chặt chẽ các hoạt động thường nhật của trẻ bệnh.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ha-noi-xuat-hien-nhieu-o-dich-tay-chan-mieng-o-truong-mam-non-2719.html