Sau “cuộc đua” hạ lãi suất huy động khiến mặt bằng về mức thấp nhất nhiều năm qua, từ tháng 3 đến nay, các nhà băng đang rục rịch điều chỉnh tăng trở lại. Xu hướng này không chỉ diễn ra ở những ngân hàng nhỏ mà còn diễn ra ở cả ông lớn thuộc nhóm Big 4.
Tại ngày 24/4, có 2 nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Đó là Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVComBank) và Ngân hàng Bản Việt BVBank. Cụ thể, biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất của PVComBank cho thấy, kỳ hạn từ 1 - 5 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm lên mức 3,15%/năm. Với kỳ hạn 18 - 36 tháng cũng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, hiện niêm yết ở mức 5,3%/năm.
Đáng chú ý, nhà băng này giữ nguyên “lãi suất đặc biệt” ở mức 9,5%/năm, mức cao thứ hai trên thị trường, chỉ sau mức lãi suất 9,65%/năm tại ABBank, áp dụng cho tài khoản tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 - 13 tháng. Trong khi gửi tại quầy, mức lãi suất tại các kỳ hạn này chỉ từ 4,5% - 4,7%/năm.
Tiếp theo, tại BVBank, biểu lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 3 tháng đã tăng thêm 0,05 điểm phần trăm, lên 3,1%/năm. Kỳ hạn 6 tháng cũng tăng thêm 0,05 điểm phần trăm, lên 4,1%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng cũng điều chỉnh tăng mức tương tự lên mức 4,7%/năm.
Ghi nhận từ đầu tháng 4/2024 đến nay, hàng loạt nhà băng cũng đổ xô tăng lãi suất huy động, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank…
Theo các chuyên gia, việc lãi tiền gửi đảo chiều từ đầu tháng 4 cho thấy, lãi suất đã chạm đáy và đang bắt đầu bật lên trước nhiều áp lực. Bên cạnh đó, dư địa để các ngân hàng hạ lãi suất huy động không còn nhiều vì mặt bằng lãi đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, lãi suất tiết kiệm đang trong xu hướng tăng trở lại.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng MB, cho rằng Chính phủ có yêu cầu ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Đánh giá về dao động lãi suất gần đây, ông Thái thấy để duy trì như những tháng đầu năm là không dễ. Khả năng sẽ đi ngang hoặc tăng từ nay đến cuối năm.
Đáng nói là tình hình huy động vốn 3 tháng đầu năm lại sụt giảm, vì vậy, dù Ngân hàng Nhà nước có hỗ trợ thanh khoản, thì các nhà băng vẫn phải tăng lãi suất huy động để không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay. Trong khi đó, áp lực từ lạm phát, tỷ giá đang tăng lên.
Liên quan đến những biến động lãi suất, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định việc tăng lãi suất tiết kiệm sẽ giúp kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân. Ông Thịnh cho rằng mặt bằng chung của lãi suất có thể không tăng quá nhiều trong vài tháng tới. Bởi chủ trương cho vay ở mức thấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Điều này đòi hỏi các nhà băng cần phải tính toán sao cho hợp lý.
Số liệu khảo sát riêng các doanh nghiệp ở Hà Nội cho thấy, có 32% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, 52% đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng để sản xuất và 9% lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế. Vì vậy, nếu các ngân hàng tăng lãi suất cho vay dịp này doanh nghiệp sẽ càng thêm khó khăn.
Về việc lo ngại lãi cho vay sẽ tăng, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới sẽ chưa có sự thay đổi nhiều. Bởi nếu vẫn muốn đạt chỉ tiêu lợi nhuận chung cuối năm, các ngân hàng thương mại sẽ phải giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại, cho đến khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả như mong đợi.
Đăng Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/doanh-nghiep-lo-lai-suat-cho-vay-tang-theo-huy-dong-chuyen-gia-kinh-te-dua-ra-nhan-dinh-2784.html