Mới đây, NHNN đã cho 9 tổ chức tín dụng vay gần 36.000 tỷ đồng qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4,25%/năm. Đây là phiên bơm thanh khoản hỗ trợ qua kênh OMO mạnh nhất trong 7 năm trở lại đây, chỉ kém mức kỷ lục hơn 42.000 tỷ được thiết lập vào tháng 1/2017.
So sánh với phiên trước đó, quy mô cho vay của NHNN đã tăng gấp hơn 4 lần. Đáng chú ý, kỳ hạn vay tăng từ 7 lên 14 ngày và lãi suất cho vay OMO đã nâng từ mức 4 lên 4,25%/năm.
Trong phiên ngày 23/4, NHNN đã bơm ròng tổng cộng 25.550 tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 2/2023. Cụ thể, nhà điều hành cũng phát hành thêm 2.150 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 3,73%/năm. Được biết, có 2 thành viên trúng thầu trong tổng 3 tham gia.
Bên cạnh đó, lô tín phiếu phát hành ngày 26/3 đã đáo hạn, trả lại thị trường 3.700 tỷ đồng thanh khoản. Đồng thời, khoản vay qua kênh OMO với tổng trị giá gần 12.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày ghi nhận hôm 16/4 đã đáo hạn.
Trong tuần này (từ ngày 24 - 26/4), sẽ có thêm hai khoản vay trên kênh cầm cố giấy tờ có giá với tổng giá trị là 17.672 tỷ đồng đáo hạn và thêm 15.600 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Việc duy trì kênh chào thầu tín phiếu sẽ giúp NHNN thiết lập một vùng giá sàn vững chắc cho lãi suất liên ngân hàng thông qua lãi suất trúng thầu. Với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, nhà điều hành sẵn sàng cho vay qua kênh OMO nhưng các nhà băng này phải chấp nhận mức lãi suất cố định là 4,25%/năm.
NHNN sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép, vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất đô la Mỹ – tiền đồng Việt Nam trên thị trường liên ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường cho vay trên kênh OMO của NHNN nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống trong giai đoạn cao điểm, cụ thể là nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài tới tận 5 ngày là cần thiết. Bởi thời gian nghỉ dài, phát sinh nhiều chi tiêu sẽ kéo theo việc rút tiền ra khỏi nhà băng rất lớn. Vì vậy, ngân hàng cần dự phòng điều đó và đi vay với kỳ hạn dài hơn.
Bên cạnh đó, việc nâng lãi suất OMO cũng một động thái hợp lý do kỳ hạn cho vay đã tăng từ 7 lên 14 ngày, đồng thời điều này sẽ giúp thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup cho rằng, động thái này của NHNN hoàn toàn hợp lý. Trước đó, lãi suất cho vay OMO kỳ hạn 7 ngày đều là 4%, khi kỳ hạn lên 14 ngày thì tăng lãi ở mức 4,25% là điều phù hợp. Ông Báu cũng nhấn mạnh, kỳ hạn dài hơn nên có một mức lợi suất tốt hơn. Nếu lãi suất không đổi mới là không ổn.
CEO Wigroup cũng nói thêm, mức trúng thầu OMO 36.000 tỷ ở kỳ hạn 14 ngày cũng "hợp tình hợp lý". Việc nhu cầu vay OMO của các ngân hàng tăng cao mang nhiều tính mùa vụ, không phải do tác động của việc can thiệp vàng và USD.
Thiên Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ngan-hang-bi-rut-tien-hang-loat-duoc-vay-dac-biet-de-tra-cho-nguoi-gui-2806.html