Vào năm 1944, khi quân Đức dần suy yếu trong Thế chiến II, lực lượng kháng chiến Ba Lan đã tiến hành “Cuộc nổi dậy Warsaw” để lật đổ ách thống trị. Tuy trang bị kém nhưng quân Ba Lan đã thành công trong việc gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho những kẻ chiếm đóng, khiến 20.000 quân Đức Quốc xã bị thương hoặc thiệt mạng.
Đổi lại, đã có 150.000 dân thường thiệt mạng. Và thủ đô Warsaw đã bị san phẳng khi phát xít Đức trả thù. Hơn 85% công trình lịch sử của thành phố biến thành đống đổ nát. Không giống như các thành phố châu Âu khác thiệt hại trong các cuộc giao tranh, Warsaw bị phá hủy một cách có hệ thống bởi từ trước đó, Hitler đã chọn thành phố này là trung tâm trong kế hoạch “Đức hóa” Trung Âu. Bây giờ, chúng san bằng mọi thứ, từ bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, nhà hát, nhà thờ đến công viên, lâu đài và cung điện. Thành phố từng là nơi sinh sống của hơn 1 triệu người nay gần như bị bỏ hoang với chỉ vài nghìn người sống trong các ngôi nhà đổ nát.
Sự tàn phá kinh hoàng này khiến nhiều người cho rằng việc tái thiết Warsaw là không thể. Thực tế là đầu năm 1945, chính quyền Ba Lan mới đã cân nhắc việc chuyển thủ đô đến Lodz, nơi hầu như còn nguyên vẹn sau chiến tranh. Ngoài ra, một kế hoạch nghiêm túc biến Warsaw thành khu tưởng niệm chiến tranh cũng được đề xuất.
Tuy nhiên những người đứng đầu đã suy nghĩ lại khi người dần dần trở lại thành phố và tự mình bắt đầu quá trình tái thiết. Một chi tiết quan trọng khác là Marian Spychalski, thị trưởng của Warsaw thời hậu chiến từng tốt nghiệp Khoa Kiến trúc Đại học Công nghệ Warsaw, là thành viên của Hiệp hội Kiến trúc sư Ba Lan, sau đó là Hiệp hội các nhà quy hoạch đô thị Ba Lan. Ông phản đối kế hoạch chuyển thủ đô, quyết tâm xây dựng lại thành phố.
Vào ngày 3/2/1945, Hội đồng Quốc gia Ba Lan đã thông qua nghị quyết tái thiết Warsaw. 11 ngày sau, Văn phòng Tái thiết Thủ đô (BOS) được thành lập, bắt tay vào dự án đầy tham vọng và bị coi là không tưởng. Nên nhớ sau Thế chiến II, rất nhiều thành phố trên toàn châu Âu được xây dựng lại, nhưng chỉ phục hồi một số công trình lịch sử, không phải tất cả.
Người Varsovi (cư dân Warsaw) chọn con đường chông gai hơn, bởi như nhà văn người Ba Lan Leopold Tyrmand từng nói, họ yêu thành phố này và quyết tâm phục hồi bất chấp việc mỗi năm phải hít vào phổi lượng bụi tương đương 4 viên gạch.
Giáo sư Jan Zachwatowicz, người đứng đầu Cục Kiến trúc Tượng đài của BOS, thậm chí còn đi xa hơn khi lên kế hoạch phục dựng lại toàn bộ các công trình. Phạm vi tái thiết sau này giảm đi đáng kể vì nhiều lý do, bao gồm thiếu kinh phí. Nguồn tài chính duy nhất là tiền quyên góp của người dân cho Quỹ xã hội xây dựng lại Thủ đô, bên cạnh lực lượng lao động tình nguyện đến từ khắp nơi trên đất nước Ba Lan đúng với tinh thần “toàn dân chung tay tái thiết thủ đô”.
Một trong những khó khăn khác chính là việc thiếu tư liệu chính xác cho việc phục dựng. Zachwatowicz biết trước điều này và tận dụng mọi nguồn tài liệu, kể cả theo trí nhớ. Trong công cuộc tìm kiếm, những nhà kiến trúc đã tìm thấy các bức tranh của họa sỹ Bernardo Bellotto (1722-1780), hay còn gọi là Canaletto. Vào năm 1768 ông này được vua Ba Lan phong là họa sĩ cung đình, và một phần công việc là tạo ra những bức tranh về cảnh quan Warsaw, với các tòa nhà và quảng trường.
Là họa sỹ phong cảnh đô thị nổi tiếng, Bellotto áp dụng thiết bị quang học gọi là Camera obscura (phòng tối) để có độ chính xác rất cao về kiến trúc trước khi chuyển thành phác thảo lên vải toan. Vì vậy các bức tranh có giá trị như những tấm ảnh. Trong Thế chiến II, loạt tác phẩm vẽ 22 cảnh đường phố của Bellotto đều được bảo tồn nguyên vẹn, trở thành tài liệu tham khảo quan trọng trong công cuộc tái thiết.
Tất nhiên công lớn cũng thuộc về những người thợ xây dựng đã rất tỉ mỉ trong suốt quá trình phục dựng các công trình. Nhờ đó một phần lớn Phố cổ và Tuyến đường Hoàng gia của Warsaw đã được tái thiết hoàn hảo, để rồi vào năm 1980, Phố cổ Warsaw lọt vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO. Ngày nay khi tới Phố cổ Warsaw, các du khách có thể thấy những bức tranh của Bellotto trên nhiều tấm bảng thông tin, nhấn mạnh nỗ lực của người dân Ba Lan trong việc xây dựng lại thủ đô.
Mặc dù vậy cũng có những sai số. Một phần vì chính Bellotto vẽ khác nguyên bản, phần có thể xuất phát từ việc phục dựng quá khó khăn trong bối cảnh thiếu thốn vật liệu và nhân công. Ngoài ra, tái thiết các công trình cổ chỉ là một phần trong công cuộc xây dựng. Thành phố cần quy hoạch đô thị mới, đường phố mới và các tòa nhà mới phù hợp với xu thế, đồng thời đáp ứng số lượng người dân ngày càng tăng trong tương lai. Sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực cũng ảnh hưởng đến việc tái tạo. Nhiều chỗ thay vì mô phỏng phong cách thế kỷ 18 đã được thay đổi một cách có chủ ý.
Dù sao đó cũng là thành tựu lớn của người Varsovi, khi hoàn thành giai đoạn tái thiết đầu tiên vào năm 1952. Những năm sau đó, nhiều dự án xây dựng lại vẫn tiếp tục. Ví dụ, Lâu đài Hoàng gia được hoàn thành vào năm 1974. Hoặc năm 2004, kế hoạch phục dựng quảng trường Piłsudski được triển khai, nhưng việc khôi phục ba tòa nhà lớn - Cung điện Saxon theo chủ nghĩa tân cổ điển, Cung điện Rococo Bruhl và các ngôi nhà phố trên Phố Krolewska - phải chờ đến năm 2018 mới được tiến hành.
Trong hầu hết các dự án, những tác phẩm của Bellotto vẫn đóng vai trò tham khảo quan trọng. Và người Varsovi luôn dành cho họa sỹ người Italia sự biết ơn sâu sắc. Nếu không có ông, Warsaw ngày nay chắc chắn sẽ rất khác.
Thanh Đình
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/warsaw-va-cau-chuyen-ve-thanh-pho-duoc-tai-thiet-dua-tren-nhung-buc-tranh-2845.html