Bộ Xây dựng vừa công bố Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam cho biết, tính đến 28/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Trong đó, các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 303.572 tỷ đồng; Dự án văn phòng cho thuê đạt 42.367 tỷ đồng; Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 78.349 tỷ đồng; Dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 43.393 tỷ đồng; Dự án nhà hàng, khách sạn đạt 60.502 tỷ đồng.
Số liệu cũng nêu, dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 121.274 tỷ đồng; Vay mua đất đạt 79.873 tỷ đồng; Đầu tư kinh doanh hình thức bất động sản khác đạt 384.343 tỷ đồng và số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 19.126 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới phát hành của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, sau giai đoạn siết tín dụng đối với bất động sản, thị trường thấy rõ nhiều tín hiệu rằng dòng tiền đã được nới lỏng với kênh đầu tư này.
Đáng chú ý là việc các nhà băng sẵn sàng đổ vốn vào địa ốc với mức lãi suất hấp dẫn, tác động tích cực giúp thị trường phục hồi mạnh hơn. Cụ thể ngân hàng vừa hỗ trợ nguồn vốn cho chủ đầu tư phát triển dự án, vừa hỗ trợ nhu cầu vay mua nhà.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng. Đồng thời, người dân và doanh nghiệp cũng được hỗ trợ vay tiền dễ hơn, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng.
Về điều hành lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã 4 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm và tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
Trong 3 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Đồng thời, Nhà điều hành chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hạ mặt bằng lãi suất cho vay.
Kết quả cho thấy, lãi suất huy động bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong năm ngoái và các tháng đầu năm nay (tính đến ngày 20/3/2024, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023).
Ngoài ra, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4- 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN đã định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Cuối năm 2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng, thông báo công khai nguyên tắc xác định để các ngân hàng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế.
Thông tin thêm từ VARS, việc lãi suất cho vay đang xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua không chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp phát triển dự án mà còn giúp người dân rộng cửa vay mua nhà hơn. Dù một số người vẫn e ngại về mức lãi suất thả nổi sau ưu đãi nhưng mức lãi này cũng đã giảm so với năm ngoái.
Cụ thể, lãi suất thế chấp thả nổi trung bình hiện ở mức 9-11%/năm đã giảm nhiều so với mức đỉnh là 13-15%/năm. Bên cạnh đó, nhiều nhà băng đã phối hợp với chủ đầu tư tung các chính sách với cam kết mức trần lãi suất tối đa, tránh được rủi ro khi lãi biến động.
VARS đưa ra nhận định, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các tổ chức tín dụng đều khuyến khích các khoản vay mua nhà để ở. Đây là khoản vay ít rủi ro và các điều khoản tài sản đảm bảo rõ ràng. Lãi suất cho vay cũng đang duy trì ổn định, trong đó có cả lãi suất cho vay mua nhà, thời hạn vay kéo dài 25-30 năm, giảm áp lực trả nợ từng tháng cho người vay vốn. Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Thanh Anh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/hon-300000-ty-dong-do-vao-cac-du-an-xay-dung-khu-do-thi-phat-trien-nha-o-2889.html