Năm 2024, có 23 ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ, với tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng, đánh dấu kế hoạch tăng “khủng” nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, có 4 nhà băng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 70.000 tỷ đồng. Đó là Techcombank, Vietcombank, VietinBank, BIDV.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ của Techcombank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến sử dụng để tăng vốn điều lệ gồm: Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn và thặng dư vốn cổ phần. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100%. Như vậy, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ hưởng quyền nhận thêm 100 cổ phiếu mới.
Tiếp theo, HĐQT BIDV đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 70.000 tỷ đồng theo hai cách. Thứ nhất, chi trả cổ tức năm 2022 và từ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Thứ hai, tổng số cổ phiếu phát hành thêm là 1,36 tỷ cổ phiếu, giúp vốn điều lệ tăng thêm gần 13.620 tỷ đồng lên 70.624 tỷ đồng.
Được biết, BIDV sẽ dùng 11.970 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 21%). Nhà băng này cũng sẽ phát hành thêm gần 165 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán riêng lẻ để tăng thêm 1.649 tỷ đồng vốn điều lệ. Kế hoạch thực hiện trong năm 2024 – 2025 và sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Tại ĐHĐCĐ, BIDV cũng đề xuất giữ một phần lợi nhuận còn lại năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ năm 2023 là 15.491 tỷ đồng, nhà băng này muốn giữ lại 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Đề xuất này của BIDV cần được (Ngân hàng Nhà nước) NHNN phê duyệt. Dự kiến, vốn điều lệ của ngân hàng này có thể tăng lên hơn 86.000 tỷ đồng trong vài năm tới.
Tại ĐHĐCĐ năm 2024, VietinBank đã thông qua phương án giữ lại gần 14.000 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Năm ngoái, nhà băng này cũng thông qua việc dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2022 (11.521 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Thế nhưng, kế hoạch này đến nay vẫn chưa được triển khai.
Hiện VietinBank có vốn điều lệ ở mức 53.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu được giữ lại lợi nhuận năm 2022-2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng sẽ tăng khoản vốn này lên 79.148 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ năm 2023 là 24.987 tỷ đồng, ngân hàng Vietcombank dự kiến dùng toàn bộ để chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Tháng 2 năm nay, HĐQT ngân hàng này cũng đã phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, sẽ dùng 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Hiện vốn điều lệ của Vietcombank ở mức 55.891 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công các kế hoạch, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng lên 102.558 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất Việt Nam. Đến nay, Vietcombank là ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất (hơn 173.000 tỷ đồng), vốn hoá thị trường chứng khoán lớn nhất (510.000 tỷ đồng).
Trong những năm gần đây, có thể thấy tốc độ tăng vốn điều lệ của các ngân hàng rất nhanh. Bởi vốn điều lệ phản ánh lợi thế cạnh tranh của các nhà băng. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh việc tăng vốn điều lệ để gia tăng bộ đệm dự trữ vốn, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán cũng thuận lợi cho việc tăng vốn.
Dữ liệu thống kê từ NHNN cho thấy, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2020 tăng thêm hơn 48.300 tỷ đồng. Đến năm 2021 tăng tiếp 90.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong hai năm 2022 và 2023, tăng lần lượt hơn 125.700 tỷ đồng và 125.900 tỷ đồng (gấp hơn 2,5 lần so với năm 2020).
Gần nhất, đến cuối 2023, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm cao nhất với hơn 542.500 tỷ đồng (tương ứng 54%). Tiếp theo, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước với gần 217.900 tỷ đồng (gần 22%) và nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài với 163.100 tỷ đồng (hơn 16%). Phần còn lại là các công ty tài chính, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng và ngân hàng hợp tác xã.
Các chuyên gia cho rằng, kế hoạch tăng vốn năm 2024 của các ngân hàng sẽ gặp không ít thách thức trong bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp khó khăn, thị trường chứng khoán “bấp bênh”. Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu đang gia tăng ảnh hưởng đến các hệ số an toàn vốn (CAR), tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chưa đáp ứng quy định tại một số ngân hàng nên việc tăng vốn điều lệ là mục tiêu quan trọng.
Ngoài ra, giới phân tích cũng nhận định, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các nhà băng cải thiện hệ số CAR, đáp ứng các chuẩn mực theo Basel II và kế tiếp là Basel III. Đây là chuẩn mực quốc tế giúp các nhà băng nâng cao quản trị rủi ro và cạnh tranh hơn so với các đối thủ cùng ngành. Đồng thời, các ngân hàng cũng có thêm nguồn vốn trung và dài hạn bền vững, tạo nền tảng vững chắc để mở rộng quy mô kinh doanh, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Thiên Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bon-ngan-hang-sap-gia-nhap-nhom-von-dieu-le-tren-70000-ty-dong-2931.html