Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó có đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất.
Bộ này cho biết, theo quy định của Luật Đất đai 2013, việc sử dụng đất trong khu kinh tế, khu công nghệ cao được quy định ưu đãi hơn so với ngoài khu. Tại Nghị định số 35/2017 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất đối với đất hai khu vực này cũng “ưu ái” hơn.
Thế nhưng, theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024 không có quy định khác biệt, ưu đãi đối với đất trong khu kinh tế, khu công nghệ cao. Cụ thể, việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất, trong khu kinh tế theo quy định của Luật Đất đai, UBND các địa phương thực hiện, không giao cho các Ban Quản lý khu thực hiện như trước đây.
Đồng thời, quy định cũng không cụ thể về miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án sử dụng đất trong khu kinh tế, khu công nghệ cao như quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, tại các Điều: 38, 39 và 40 dự thảo không có quy định về việc miễn, giảm tiền thuê đất riêng đối với dự án sử dụng đất trong khu kinh tế, khu công nghệ cao mà việc miễn, giảm đối với dự án đầu tư trong các khu này được thực hiện theo quy định chung.
Để xử lý chuyển tiếp, tại khoản 6 Điều 19, khoản 14 Điều 50 dự thảo quy định như sau: Đối với các hồ sơ tính tiền thuê đất trong Khu kinh tế, Khu Công nghệ cao đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, thì cơ quan đó chuyển lại hồ sơ cho cơ quan chức năng theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 để thực hiện theo thẩm quyền và trách nhiệm.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã từng bước được thể chế hoá theo nguyên tắc minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích sử dụng đất đai tiết kiệm, có hiệu quả, hạn chế đầu cơ, sử dụng đất đai lãng phí.
Quy định thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là một bộ phận quan trọng của chính sách tài chính đất đai. Nhờ vào chính sách này, nguồn thu từ đất tăng dần qua các năm, tạo nguồn lực cho địa phương phát triển. Đáng chú ý, nguồn thu từ đất chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước (năm 2022 là 17% tổng thu).
Theo ông Thịnh, các văn bản quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã bộc lộ một số hạn chế cần phải có giải pháp khắc phục. Để rà soát, tổng hợp việc thực hiện chính sách thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, theo Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá tình hình thực hiện các chính sách và kiến nghị, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Báo cáo của các địa phương cho thấy một số vướng mắc liên quan đến thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Bộ Tài chính đã tổng hợp, đánh giá và gửi văn bản để Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo trong quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024.
Bộ Tài chính cũng nhận thấy, cần giải quyết các vấn đề phát sinh về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất theo quy định hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu này vào ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo đó, dự thảo được xây dựng theo các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, bám sát những nội dung tài chính về đất đai tại Luật Đất đai năm 2024 và các quy định liên quan.
Thứ hai, kế thừa những quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013 đang thực hiện ổn định, phù hợp; ghép 2 chính sách vào nghị định. Từ đó, Dự thảo Nghị định gồm: 5 chương, 54 điều.
Thanh Anh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/de-xuat-bo-mien-giam-tien-thue-dat-rieng-trong-khu-kinh-te-khu-cong-nghe-cao-2961.html