Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe: An toàn từ chính người dạy!

Giáo viên dạy lái ô tô mà chưa có đầy đủ chứng chỉ sẽ không đảm bảo học viên được đào tạo đúng, đủ kiến thức thực hành. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hành tự lái về sau của người học, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn.

Giữa tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe ô tô. Các quy định trong Nghị định 41/2024/NĐ-CP được sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn cho học viên, nhưng cũng chặt chẽ hơn trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo.

Để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe thì yếu tố con người rất quan trọng. Theo đó, Nghị định 41/2024/NĐ-CP siết chặt hơn với người dạy khi quy định hồ sơ cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Trường hợp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử (VNeID) thì có thể xuất trình thông qua đó.

siet-chat-sat-hach-lai-xe-1714640663.jpg
Siết chặt các quy định quản lý, nâng cao yêu cầu với đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe cũng chính là nâng cao chất lượng của học viên (Ảnh: Ngô Xuân)

Anh Đặng Hoàng Anh - giáo viên dạy thực hành lái xe bằng B1 chia sẻ, yêu cầu chặt chẽ, cụ thể hơn với giáo viên dạy thực hành lái xe là hoàn toàn cần thiết. Giáo viên dạy lái ô tô mà chưa có đầy đủ chứng chỉ sẽ không đảm bảo học viên được đào tạo đúng, đủ kiến thức thực hành. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hành tự lái về sau của người học, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn.

Ông Vương Văn Kha - nguyên Trưởng phòng Quản lý nhân sự, HTX Vận tải Tín Lợi cho biết, thực tế ghi nhận đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra do trình độ của người dạy lái xe yếu kém. Việc siết chặt các quy định quản lý, nâng cao yêu cầu với đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe cũng chính là nâng cao chất lượng của học viên. Người dạy chưa đủ tốt thì khó có thể đào tạo ra được học viên tốt và chất lượng.

Giáo viên dạy thực hành lái xe sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận trong các trường hợp: Một, gian lận để được tham dự tập huấn và kiểm tra để được giấy chứng nhận. Hai, cấp cho người không đủ một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 Nghị định 65/2016/NĐ-CP do cơ quan hoặc người không có thẩm quyền cấp.

Ba, giấy chứng nhận bị tẩy xóa, sửa chữa. Bốn, giáo viên tổ chức hoặc cho cơ sở đào tạo thuê, mượn giấy chứng nhận nhưng không tham gia giảng dạy cũng bị thu hồi chứng nhận.

Song song với yếu tố con người, Nghị định 41/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện về hệ thống phòng học chuyên môn đào tạo lái xe. Theo đó, phòng học lý thuyết phải có các công cụ, trang thiết bị hỗ trợ việc giảng dạy về luật giao thông đường bộ, văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe, phòng chống tác hại của rượu, bia và cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, trang bị hệ thống báo hiệu đường bộ, sa hình dưới dạng điện tử hoặc bằng tranh vẽ.

siet-chat-sat-hach-lai-xe-1-1714640663.jpg
Bên cạnh yếu tố con người, hệ thống phòng học chuyên môn đào tạo lái xe cũng cần được nâng cao chất lượng (Ảnh: KC)

Phòng học kỹ thuật ô tô phải có các thiết bị hỗ trợ giảng dạy về cấu tạo, sửa chữa thông thường và kỹ thuật lái xe. Trường hợp các thiết bị công nghệ trình chiếu chưa có video, hình ảnh mô phỏng thì phải có tranh vẽ hoặc hình… Các đồ nghề chuyên dùng để hướng dẫn học sinh thực hành kiểm tra dầu xe, nước làm mát, tháo lắp lốp, thiết bị mô phỏng… cần được trang bị đầy đủ.

Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải bố trí số lượng phòng học lý thuyết và phòng học kỹ thuật ô tô phù hợp với chương trình đào tạo và số lượng học viên. Cụ thể, với lưu lượng dưới 500 học viên phải có ít nhất 1 phòng học lý thuyết và 1 phòng học kỹ thuật. Từ 500 - 1.000 học viên, phải có ít nhất 2 phòng học lý thuyết và 2 phòng học kỹ thuật ô tô. Trên 1.000 học viên, phải có ít nhất 3 phòng học lý thuyết và 3 phòng học kỹ thuật ô tô.

Theo ông Vương Văn Kha, việc nâng cấp, bổ sung trang thiết bị học tập trực quan sẽ giúp học viên có đầy đủ kiến thức cơ bản trước khi bước vào các bài sát hạch và thực hành ngoài đường. Có những kỹ năng rất cơ bản như phòng chống cháy nổ, kiểm tra dầu xe… nhưng nếu không được dạy, thì có khi học viên nhận bằng rồi vẫn chưa biết cách thực hành. Như vậy rất nguy hiểm khi lái xe tham gia giao thông ngoài đường.

Cả nước có khoảng hơn 300 cơ sở đào tạo lái xe ô tô theo mô hình xã hội hóa. Các cơ sở đào tạo lái xe đã tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, đội ngũ giáo viên, hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy, sân tập lái, xe tập lái được cơ sở đào tạo lái xe đầu tư, tăng cường, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, phù hợp thực tiễn.

Ngoài ra, tính đến năm 2023, cả nước có hơn 140 trung tâm sát hạch lái xe ô tô Nhà nước, gồm 51 Trung tâm loại 1 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến các hạng F), còn lại là Trung tâm loại 2 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C).

Các trung tâm được xây dựng theo quy chuẩn, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất như phòng điều hành thiết bị sát hạch thực hành lái xe, phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch, xe sát hạch và các hạng mục công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe, được lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động sát hạch lý thuyết và thực hành lái xe, hệ thống loa, màn hình tại phòng chờ để công khai quá trình và kết quả sát hạch của từng học viên.

Phúc Hưng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nang-cao-chat-luong-dao-tao-lai-xe-an-toan-tu-chinh-nguoi-day-2993.html