Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, sớm hơn 6 tháng so với quy định trước đó (1/1/2025).
Theo Bộ Xây dựng việc 2 bộ luật này có hiệu lực sớm sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách pháp luật trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản. Đồng thời đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, công khai và minh bạch.
Bên cạnh đó, điều này giúp sớm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội (NOXH) và đẩy mạnh nguồn cung loại hình này gắn với việc thực hiện “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Ngoài ra, việc 2 luật này có hiệu lực sớm sẽ bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai 2024 hiện đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận.
Theo các chuyên gia, 3 bộ luật này có tầm quan trọng ảnh hưởng nhất đến thị trường bất động sản. Đây được coi là căn cứ bản lề góp phần giúp thị trường phát triển theo hướng an toàn. Cụ thể, khi có hiệu lực các luật này sẽ tác động như sau:
Luật Nhà ở có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nhà ở.
Thứ nhất, luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm của địa phương, thúc đẩy nguồn cung NOXH. Đồng thời, đảm bảo tính khả thi của các quy định khi áp dụng trên thực tế như: Đất dành để phát triển nhà ở xã hội; đối tượng được hưởng chính sách; ưu đãi chủ đầu tư dự án; xác định giá bán, thuê NOXH…
Thứ hai, luật bổ sung 2 chính sách mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đối tượng người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp không chỉ được mua, thuê NOXH như hiện hành mà còn được thuê nhà lưu trú công nhân.
Thứ ba, Luật Nhà ở đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát triển các loại nhà ở bao gồm: Thương mại, công vụ, tái định cư, riêng lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở.
Thứ tư, đã luật hóa một số quy định của Nghị định hiện hành về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để nâng cao hiệu lực pháp lý và bổ sung một số quy định đặc thù cũng như khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.
Luật kinh doanh Bất động sản cũng có nhiều nội dung nổi bật.
Thứ nhất, môi giới phải tham gia sàn giao dịch hoặc doanh nghiệp chứ không được hoạt động tự do nữa. Điều này giúp thị trường “vào nề nếp ”, từ đó, giảm thiểu tối đa sự nhộn nhạo, các tác nhân gây rối.
Thứ hai, quy định công khai thông tin dự án bất động sản đưa vào kinh doanh. Điều này đảm bảo sự công khai, minh bạch của thị trường, tránh sự bất cân xứng trong các thông tin.
Thứ ba, quy định cấm phân lô bán nền đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III. Điều này sẽ đảm bảo về quy hoạch và cảnh quan chung nhưng khiến hạn chế nguồn cung trong ngắn hạn.
Ngoài ra, có một số nội dung thay đổi khác trong Luật kinh doanh bất động sản tới đây. Cụ thể, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không phải thành lập công ty, điều này giúp đơn giản hóa cho những cá nhân có bất động sản quy mô nhỏ muốn kinh doanh…
Đăng Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/luat-nha-o-va-luat-kinh-doanh-bat-dong-san-chinh-thuc-co-hieu-luc-som-3014.html