Nhiều thương hiệu quốc tế "đổ bộ"
Theo ghi nhận của phóng viên, trong thời gian vừa qua, nhiều thương hiệu quốc tế đã lần lượt mở thêm cửa hàng mới tại TP Hồ Chí Minh. Các thương hiệu này chủ yếu đi “săn” những mặt bằng có vị trí đắc địa, nằm trên các tuyến đường chính ở các quận trung tâm TP Hồ Chí Minh như đường Nguyễn Thi Sách, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo (quận 1); đường Bạch Đằng, D2, Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Sỹ (quận 3, Phú Nhuận).
Đơn cử, trong tháng 7 vừa qua, nhà bán lẻ đa thương hiệu xa xỉ Runway đã khai trương cửa hàng lớn nhất tại trung tâm thương mại Diamond Plaza, tọa lạc trên đường Lê Duẩn (Quận 1). Được biết, đây là cửa hàng có quy mô lớn nhất của nhà bán lẻ này tại TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, trong tháng 5, thương hiệu thời trang nổi tiếng Wathches of Switzerland cũng mở thêm cửa hàng tại trung tâm thương mại Thiso Mall, TP Thủ Đức. Rồi đến tháng 6, thương hương hiệu đồng hồ đình đám Hublot cũng mới khai trương cửa hàng tại Union Square (TP.HCM).
Không chỉ là nhà bán lẻ thời trang, các nhãn hàng ăn uống, nghỉ dưỡng cũng chạy đua mở rộng mặt bằng ở TP Hồ Chí Minh. Điển hình như cửa hàng Pizza Hut ra mắt hai cửa hàng mới thuộc dòng Pizza Hut Signature tại AEON Mall Bình Tân và AEON Mall Tân Phú vào tháng 6. Thương hiệu M Village khai trương hai khách sạn mới thuộc dòng Signature by M Village tại Quận 1. Thương hiệu mỹ phẩm LUSH cũng mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam khai trương ở Vincom Đồng Khởi.
Sắp tới đây, thương hiệu thời trang thể thao Xtep cũng sẽ khai trương thêm cửa hàng thứ 2 tại trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza. Ngoài ra, một số dự án khác như Emart 2 Phan Huy Ích và Vincom Megamall Grand Park cũng dự kiến chào sân vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Sức cầu tăng đã khiến giá chào thuê mặt bằng bán lẻ TP Hồ Chí Minh ghi nhận sự leo thang rõ rệt. Theo báo cáo thị trường của Savills Việt Nam, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh hiện bình quân ở mức 54 USD/m2. Cá biệt, tại các trung tâm bách hóa, mức giá thuê mặt bằng lên tới 91 USD/tháng .
Khan hiếm nguồn cung mới
Giới chuyên gia nhìn nhận, thị trường mặt bằng bán lẻ TP Hồ Chí Minh đang có sức hút với các thương hiệu quốc tế. Tuy nhiên sự thâm nhập mạnh mẽ của các thương hiệu quốc tế tiếp tục đẩy thị trường vào tình trạng khan hiếm nguồn cung trầm trọng.
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc của Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, từ năm 1996 đến năm 2019, trung bình mỗi năm TP Hồ Chí Minh chào đón 52.000 m2 sàn bán lẻ gia nhập vào thị trường. Đặc biệt, trong giai đoạn 2013-2019, mỗi năm thị trường chào đón 130,000m2 GFA sàn bán lẻ mới. Đến cuối năm 2022 ghi nhận toàn thị trường có hơn 1 triệu m2 sàn bán lẻ.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019, thị trường lại không ghi nhận thêm bất kì nguồn cung mới nào đối với các dự án bán lẻ trong khu vực trung tâm. Chính vì vậy, các trung tâm thương mại ở vị trí đắc địa, được quản lý và đầu tư hình ảnh bài bản đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình 94% và lượt tham quan mua sắm cao trong quý II/2023.
Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung, các thương hiệu bán lẻ quốc tế từ bình dân đến xa xỉ lại luôn đặt tầm ngắm vào những mặt bằng nằm ở trung tâm để tạo được sức ảnh hưởng tốt nhất cho tên tuổi của họ, đồng thời giúp họ có lượng khách tiêu dùng ổn định. Thậm chí, tại một số trung tâm thương mại có hiện tượng nhà bán lẻ phải xếp hàng dài chờ đến lượt để có thể thuê mặt bằng tại đây.
Chính vì vậy, việc thị trường mặt bằng bán lẻ TP Hồ Chí Minh khan hiếm nguồn cung đã và đang làm giảm sức hút của phân khúc này trong mắt các thương hiệu quốc tế. Thêm vào đó, việc nguồn cung khan hiếm cũng đã đẩy chi phí thuê mặt bằng tăng trong những năm gần đây cũng khiến các nhà bán lẻ cần phải có những chiến lược mở rộng chuỗi hệ thống một cách thận trọng.
Vị chuyên gia này cho biết, để gia tăng sức hút cho thị trường mặt bằng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới, các chủ đầu tư cần phải tiến hành thiết kế khu mua sắm với mục đích gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, tạo ra những không gian xanh, tươi mát hướng đến đa dạng mọi lứa tuổi. Nâng cấp chất lượng dịch vụ của con người, và đặc biệt là chất lượng của tiện ích ví dụ như bãi đậu xe, thang máy, biển chỉ dẫn, không gian xanh và khử mùi khu vực ẩm thực. Việc sắp xếp sơ đồ vị trí các cửa hàng trong cùng tầng hoặc không gian giữa các tầng cũng rất quan trọng. Trong đó, ngành hàng ăn uống (F&B) đang đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu khách thuê trong các mặt bằng bán lẻ hiện đại.
“Các thương hiệu bán lẻ rất quan tâm đến việc dành ra không gian trải nghiệm sản phẩm trong việc thiết kế cửa hàng hoặc gian hàng, mang đến những trải nghiệm toàn diện hơn cho khách hàng. Chính vì vậy, việc các chủ đầu tư tòa nhà trung tâm thương mại phải liên tục cập nhật xu hướng mới, nâng cấp và cải tạo không gian bán lẻ, áp dụng công nghệ và nâng tầm chất lượng dịch vụ là một điều tất yếu, nếu không muốn lỗi thời”, bà Trang nói.
Giới chuyên gia Savills Việt Nam đưa ra dự báo, nửa cuối năm 2023, mặt bằng bán lẻ TP Hồ Chí Minh sẽ được bổ sung thêm 66.000 m2 từ 3 dự án ngoài khu vực trung tâm. Trong vòng 3 năm tới sẽ có thêm 201.000 m2 bán lẻ ở vùng ngoài trung tâm được gia nhập thị trường. Tuy nhiên, số lượng nguồn cung mới này được đánh giá vẫn ở mức trung bình.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/mat-bang-ban-le-trung-tam-tp-ho-chi-minh-hut-khach-thue-quoc-te-310.html