Sở Giao thông vận tải TP. HCM cho biết, cơ quan này vừa ban hành danh mục các tuyến đường, hè phố đủ điều kiện bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng (trạm xe đạp công cộng) tại quận 1 và quận 4.
Cụ thể, trên địa bàn quận 1 có 35 tuyến đường (68 vị trí), quận 4 có 7 tuyến đường (12 vị trí), hè phố đủ điều kiện để bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng (trạm xe đạp công cộng) và phương án tổ chức thực hiện tại từng vị trí.
Các tuyến đường đủ điều kiện có kích thước từ 6m x 1,5m, có thể chứa số lượng tối đa khoảng 10 chiếc xe đạp công cộng. Khu vực bố trí xe đạp công cộng phải được kẻ vạch sơn phản quang màu vàng để phân định với các hoạt động khác và bố trí xen giữa bồn gốc cây xanh, hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài ra, các vị trí cho thuê xe đạp công cộng cần chừa lại lối đi cho người đi bộ, với chiều rộng 2,5m. Mức phí cho thuê ở một số vị trí đắc địa khoảng 900.000 đồng/tháng. Còn thông thường, mức phí trung bình khoảng 100.000 đồng/m2 và 50.000 đồng/m2.
Một số tuyến đường tại quận 1 có thể bố trí trạm xe đạp công cộng như: Công trường Lam Sơn, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Công xã Paris, Lê Duẩn, Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng... Còn ở quận 4 có các tuyến đường như: Nguyễn Trường Tộ, Hoàng Diệu, Vĩnh Khánh...
TP. HCM bắt đầu bắt đầu thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng từ ngày 16/12/2021. Theo Sở Giao thông Vận tải, dịch vụ xe đạp công cộng đã tạo thêm sự lựa chọn về loại hình giao thông cho người dân thành phố, cũng như du khách tham quan, đồng thời tăng tính kết nối mạng lưới giao thông công cộng khác (xe buýt, đường sắt đô thị, buýt đường sông...).
Tính từ lúc thí điểm đến 31/10/2023, dịch vụ xe đạp công cộng tại TP. HCM đã có gần 300.000 người đăng ký, tổng lượt đi hơn 475.805 chuyến, tương đương khoảng 706 chuyến/ngày. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, sau một thời gian thí điểm, mô hình xe đạp công cộng đã nhận được sự yêu thích của người dân cũng như đông đảo du khách.
Việc thí điểm được đánh giá phù hợp với đề án tăng tính vận tải hành khách công cộng với kiểm soát sử dụng xe cộ cá nhân tại thành phố. Dịch vụ xe đạp công cộng cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ và TP. HCM trong việc phát triển giao thông xanh, giảm phát thải.
Về phía UBND TP. HCM cũng đã chấp thuận cho mở rộng thí điểm mô hình xe đạp công cộng. Trước mắt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. HCM sẽ phối hợp với chính quyền một số địa phương đánh giá, rà soát những vị trí hiệu quả để đặt trạm xe đạp công cộng.
Trong năm 2024, TP. HCM dự kiến sẽ có thêm hàng trăm vị trí cho thuê xe đạp công cộng ở tất cả các quận, huyện và TP. Thủ Đức. Theo đó, huyện Nhà Bè có 6 địa điểm, TP. Thủ Đức có 159 địa điểm, quận 5 có 2 địa điểm, quận 1 bổ sung 16 vị trí, quận Bình Tân có 2 địa điểm, quận 6 có 4 vị trí...
Về lâu dài, xe đạp công cộng sẽ hoạt động theo hướng xã hội hóa, phù hợp với quy định, mức phí liên quan đến thuê vỉa hè đã được thành phố ban hành. Từ đó, khuyến khích người dân đi xe đạp công cộng nhiều hơn như giải pháp giao thông xanh.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-them-80-vi-tri-lam-tram-xe-dap-cong-cong-o-quan-1-quan-4-3195.html