Tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao vì phát hiện muộn

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao của khu vực và thế giới khi. Mỗi năm, nước ta có khoảng 120.000 người tử vong vì ung thư. Đáng lo ngại là số lượng ca mắc mới và ca tử vong do loại bệnh này ngày càng tăng.

Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022 cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 180.400 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Phần lớn người bệnh ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Tỷ suất mắc mới của Việt Nam xếp 91, tỷ suất tử vong xếp 50 trên tổng cộng 185 nước.

Con số trên đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới. Những loại ung thư phổ biến nhất ở người Việt thuộc loại có tiên lượng xấu như ung thư gan, phổi.

ung-thu-1715386998.jpg
Những loại ung thư phổ biến nhất ở người Việt thuộc loại có tiên lượng xấu (Ảnh: Lê Phương)

Ngày 10/5, Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2024 đã được Bệnh viện Ung bướu TP. HCM tổ chức. Tại hội nghị, nhiều thông tin quan trọng liên quan đến ung thư đã được đưa ra thảo luận.

Tiến sỹ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP. HCM cho biết, bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho nhiều gia đình cùng xã hội. Là tuyến cuối khu vực phía Nam chuyên về điều trị ung thư, mỗi năm Bệnh viện Ung bướu TP. HCM điều trị cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân.

Chỉ riêng năm 2023, bệnh viện tiếp nhận gần 800.000 lượt khám, thực hiện hơn 180.000 lượt xạ trị, gần 37.000 ca phẫu thuật và gần 300.000 lượt điều trị nội khoa bằng hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch. Đáng lo lắng là số lượng bệnh nhân mỗi ngày một tăng.

Theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do ung thư cao là do người bệnh phát hiện bệnh và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn. Thống kê của bệnh viện cho thấy, có khoảng 50 - 80% bệnh nhân đến khám khi ung thư đã ở giai đoạn 3 và giai đoạn 4, khiến cho kết quả điều trị không như mong đợi.

Còn theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM, bệnh nhân ung thư dễ khủng hoảng về tâm lý, điều trị tốn kém. Lĩnh vực y tế cần phải đầu tư trang thiết bị hiện đại để góp phần phát hiện sớm ung thư, tăng hiệu quả điều trị, nâng cao tay nghề của y bác sĩ để ngăn chặn và đẩy lùi bệnh.

ung-thu-2-1715387171.jpg
Việt Nam xếp vị trí thứ 91 trên 185 quốc gia về tỷ suất ca mắc ung thư mới (Ảnh: Vietnam+)

Các chuyên gia cho rằng tuổi thọ tăng, sự già hóa dân số, môi trường sống thay đổi, ô nhiễm không khí, nước, thói quen như rượu bia, thuốc lá điện tử, ăn uống, sinh hoạt không điều độ, là tác nhân gây bệnh ung thư.

Do đó người dân nâng cao ý thức phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, giảm rượu bia, bỏ thuốc lá, vận động thể lực phù hợp... Ngoài ra, người dân nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, chủ động tầm soát ung thư sớm theo khuyến cáo về nhóm tuổi và nhóm nguy cơ.

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn chia sẻ, người dân nên thực hiện tầm soát ung thư để sớm phát hiện bệnh. Các chương trình tầm soát ung thư hiệu quả sẽ giúp phát hiện sớm bệnh, nâng cao chất lượng điều trị, kéo giảm tỷ lệ tử vong và giảm chi phí cho người bệnh. Đây cũng là một trong những giải pháp trong chiến lược phòng, chống ung thư của TP. HCM thời gian tới.

Vũ Dũng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ty-le-tu-vong-do-ung-thu-o-viet-nam-cao-vi-phat-hien-muon-3222.html