Ngày 11/5, UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình về việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Hà Nội đánh giá chính sách hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID là đặc thù, có ảnh hưởng lớn đến đời sống cũng như quyền lợi của người dân, thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố.
Tại Hà Nội, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được thực hiện thí điểm trên ứng dụng VNeID từ ngày 22/4. Quy trình tiếp nhận, giải quyết cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện qua các hình thức gồm: Nộp trực tiếp, nộp qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình, qua ứng dụng VNeID.
Thống kê từ ngày 22/4 đến ngày 6/5, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 5.272 hồ sơ, trong đó tiếp nhận qua ứng dụng VNeID là 2.097 hồ sơ, đạt 39,78%. Còn lại 3.175 hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ công thành phố, đạt 60,22%.
Theo UBND TP. Hà Nội, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp còn chưa cao. Nguyên nhân do đây là dịch vụ mới triển khai thí điểm nên chưa được nhiều người biết đến. Do đó, ngoài việc tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân thủ đô, thì cần thiết có cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ tham gia sử dụng dịch vụ.
Chính vì thế, UBND TP. Hà Nội đã đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định hỗ trợ 100% mức phí phải nộp của công dân Việt Nam có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn.
Đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn Hà Nội, có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID, có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng.
Thời gian áp dụng dự kiến tính từ thời điểm HĐND thành phố ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2024.
Thông tư của Bộ Tài Chính quy định, hiện phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đang áp dụng 200.000 đồng/lượt/người. Mức phí cung cấp phiếu lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ (gồm mẹ đẻ, cha đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ) là 100.000 đồng/lượt/người.
Trường hợp người yêu cầu cấp trên 2 phiếu lý lịch tư pháp trong một hồ sơ, thì từ phiếu thứ 3 trở đi, thu thêm 5.000 đồng/phiếu để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu.
Các trường hợp được miễn phí gồm: Người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo; người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.
Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp) cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; Bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp hợp tác xã, doanh nghiệp bị tòa án tuyên bố phá sản.
Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp quy định, phiếu lý lịch tư pháp được chia thành 2 loại:
Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho cá nhân (công dân Việt Nam, người nước ngoài đang hoặc đã từng cư trú tại Việt Nam) hoặc cơ quan, tổ chức có yêu cầu nhằm phục vụ hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý công ty, doanh nghiệp, công tác quản lý nhân sự. Phiếu này thường dùng trong trường hợp xin việc làm, bổ sung hồ sơ xin việc, xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng (như toàn án, công an, viện kiểm sát) phục vụ công tác điều tra, xét xử hoặc cấp cho cá nhân để nắm được nội dung lý lịch tư pháp bản thân.
Sự khác nhau cơ bản của 2 loại phiếu lý lịch tư pháp này là: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ ghi những án tích chưa được xóa án. Do đó, nếu cá nhân từng có án tích nhưng đã xóa án thì trên giấy sẽ không thể hiện. Còn phiếu lý lịch tư pháp số 2 thể hiện tất cả án tích dù đã được xóa hay chưa được xóa.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ha-noi-de-xuat-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-mien-phi-tren-vneid-3255.html