Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã có văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao về việc tổ chức các hoạt động văn hóa có sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải cho biết, TP. HCM hiện đã quy định về mức phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè nhưng chưa có cách tính diện tích sử dụng, chiếm dụng khi tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, lễ hội, diễu hành) với quy mô lớn. Từ đó, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thu phí các giải chạy bộ.
Sở Giao thông Vận tải đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất với UBND TP. HCM xem xét chỉ đạo về cách tính thống nhất diện tích khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để tổ chức các hoạt động thể thao, bảo đảm hợp lý, đúng quy định.
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện nay tỷ lệ đất dành cho giao thông ở TP. HCM còn hạn chế, chưa đạt tỷ lệ quy hoạch. Trong khi lưu lượng và mật độ xe cộ luôn cao, nhất là những tuyến đường khu vực trung tâm.
Vì vậy, Sở Văn hóa và Thể thao trong quá trình chủ trì xem xét nên lưu ý các đơn vị tổ chức hoạt động thể thao, lễ hội, diễu hành... hạn chế sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường khu trung tâm. Các hoạt động nên được bố trí ở không gian, địa điểm, vị trí phù hợp quy hoạch ngành.
Sở Văn hóa và Thể thao cũng cần phân loại hoạt động văn hóa phù hợp để tham mưu UBND TP. HCM ban hành kế hoạch cụ thể, không nộp phí theo quy định đối với các hoạt động chỉ mang tính cổ động, tuyên truyền chính trị.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải cũng đưa ra 3 phương án tính diện tích sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè tổ chức giải chạy bộ và trông giữ xe phục vụ giải chạy bộ.
Phương án 1: Tính toàn bộ diện tích hè phố, lòng đường sử dụng tạm thời để bố trí các trạm tiếp nước, trạm y tế, sân khấu, cổng chào; phạm vi phong tỏa đường tại các khu vực tổ chức điểm xuất phát, điểm về đích; phần đường bố trí cho các vận động viên tham gia chạy, đi bộ của các cự ly.
Khu vực 1 áp dụng mức phí là 100.000 đồng/m²/tháng, thời gian sử dụng dưới 15 ngày. Theo đó, với 16 trạm tiếp sức, trạm y tế được bố trí dưới lòng đường lẫn vỉa hè, mỗi trạm có diện tích 3m x 3m = 144m² thì mức phí phải nộp ước tính khoảng 7,2 triệu đồng.
Khu vực điểm xuất phát, về đích của giải chạy bộ sẽ tính diện tích từng đoạn đường bằng cách nhân chiều dài với chiều rộng, rồi cộng tất cả các tuyến đường lại với nhau để ra diện tích sử dụng. Sau đó, lấy diện tích sử dụng nhân với 100.000 đồng, nhân tiếp với 0,5 (1/2 tháng) sẽ ra mức phí phải nộp.
Phần lộ trình cho các vận động viên tham gia đi bộ, chạy, sẽ lấy lộ trình chạy mỗi cự ly nhân với bề rộng mặt đường chiếm dụng để ra diện tích sử dụng. Sau đó lấy diện tích chiếm dụng nhân 100.000 đồng và nhân 0,5 (1/2tháng) để ra mức phí phải nộp.
Phương án 2 và 3 cũng sử dụng cách tính tương tự phương án 1, tuy nhiên điều chỉnh cách tính diện tích chiếm dụng.
Cụ thể, phương án 2 tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí các trạm y tế, trạm tiếp nước; phạm vi phong tỏa đường tại các điểm xuất phát, điểm về đích; không tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí cho các vận động viên tham gia chạy, đi bộ của các cự ly 5km, 10km, 21km, 42km.
Phương án 3 tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí các trạm y tế, trạm tiếp nước; phạm vi phong tỏa đường tại các điểm xuất phát, điểm về đích chỉ tính theo phạm vi đề xuất chiếm dụng thực tế của đơn vị thực hiện (không tính phạm vi phong tỏa toàn bộ mặt đường); không tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí cho các vận động viên tham gia chạy, đi bộ của các cự ly 5km, 10km, 21km, 42km.
Tất cả các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc cấp phép, đảm bảo công khai minh bạch kể cả các trường hợp không phải đóng phí sử dụng như hoạt động tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước, để xe tự quản, hoạt động phục vụ đám tang, đám cưới...
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho hay, đề án này nhằm mục đích lớn nhất là hướng đến quản lý đô thị minh bạch và công bằng hơn.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-se-thu-phi-su-dung-tam-long-duong-via-he-khi-to-chuc-giai-chay-bo-3338.html