Việt Nam và Nhật Bản chứng kiến nhiều cuộc tấn công lừa đảo bằng deepfake hàng đầu tại châu Á

Ủy ban Chứng khoán và Tương lai Hồng Kông đã cảnh báo về một nền tảng giao dịch tiền điện tử lừa đảo có tên Quantum AI vì đã sử dụng các bản deepfake của Elon Musk để lôi kéo các nhà đầu tư tham gia. Các cảnh báo khác cho thấy, AI bị lợi dụng để lừa đảo ngày càng nhiều, đặc biệt ở khu vực châu Á, bao gồm Việt Nam và Nhật Bản.

South Morning China Post đưa tin, tuần trước, Ủy ban Chứng khoán và Tương lai Hồng Kông (SFC) đã cảnh báo về một vụ lừa đảo sử dụng deepfake của Elon Musk để quảng cáo cho một nền tảng giao dịch tiền điện tử có tên là “Quantum AI”. Mặc dù thủ thuật lừa đảo này đã cũ nhưng nó đang dấy lên hồi chuông báo động về việc trí tuệ nhân tạo (AI) bị lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo. Hiện, châu Á đang được xem là khu vực đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.

Trong cảnh báo công khai vào ngày 8/5, SFC cho biết rằng Quantum AI đã đưa ra tuyên bố về khả năng kiếm được lợi nhuận cao ở mức khó tin. Cơ quan quản lý đã yêu cầu Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông chặn quyền truy cập vào các thông tin liên quan bao gồm cả các website và mạng xã hội. Các tên miền được liên kết của sàn giao dịch tiền ảo này hiện đã không thể truy cập được và các nhóm Facebook liên quan dường như cũng đã bị xóa.

deepfake-elon-musk-1715939088.jpg
Hình ảnh Elon Musk xuất hiện trong video lừa đảo deepfake của sàn giao dịch tiền điện tử không phép Quantum AI

Đã có nhiều trường hợp lừa đảo liên quan đến deepfake ở Hồng Kông, khiến chính phủ nước này phải thắt chặt các biện pháp quản lý.

Theo báo cáo từ nền tảng xác minh danh tính Sumsub, các vụ lừa đảo deepfake ở châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 1.530% trong năm ngoái, trong đó Việt Nam và Nhật Bản chứng kiến nhiều cuộc tấn công nhất.

Penny Chai, phó chủ tịch phát triển kinh doanh của Sumsub tại APAC cho biết: “Nhờ các giao dịch tài chính kỹ thuật số ngày càng tăng ở thị trường châu Á mới nổi, nên ngày càng có nhiều mục tiêu cho những kẻ lừa đảo bằng deepfake. Khối lượng lớn giao dịch xuyên biên giới tức thì diễn ra trong khu vực, đặc biệt là ở Hồng Kông, những kẻ lừa đảo deepfake có thể tận dụng sự phức tạp và khối lượng giao dịch tài chính lớn để thực hiện các hoạt động lừa đảo”.

lua-dao-tien-ao-1715939661.jpg
Hồng Kông đang là một trong những thị trường tiền điện tử hàng đầu tại châu Á. Vì vậy, đây cũng là nơi mà các đối tượng lừa đảo đang tập trung tấn công để qua mặt các nhà đầu tư và kiếm lợi.

Một video lan truyền trên Facebook vào năm ngoái, bị PolitiFact vạch trần, những kẻ lừa đảo đã sử dụng AI để đánh lừa các nhà đầu tư. Nội dung video có các hình ảnh giống như của Elon Musk, tỷ phú CEO của Tesla và SpaceX, cùng với Jack Ma – đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba Group Holding, khiến cho người xem dễ hiểu là các sàn giao dịch tiền điện tử này có liên quan tới họ. Thực tế, đoạn video với sự nhúng tay của AI đã sửa đổi một đoan phim quay cảnh Musk và Jack Ma xuất hiện cùng nhau tại Hội nghị AI thế giới 2019 ở Thượng Hải. Một video khác đã được sửa đổi từ video mà Musk thực hiện trên chương trình Fox News cũng được các đối tượng xấu lợi dụng để làm deepfake. 

Theo các nhà nghiên cứu an ninh mạng, một trong những kết quả tìm kiếm hàng đầu về Quantum AI là một trang web đầu tư tiền ảo mà trong đó, khách hàng phải có khoản tiền gửi tối thiểu 250 USD để có thể tham gia, kèm theo cảnh báo rằng người dùng “chỉ nên đầu tư số tiền mà bạn chấp nhận được nếu thua hoàn toàn”.

Các vụ lừa đảo bằng cách sử dụng deepfake sử dụng AI tổng hợp đang gia tăng. Sumsub đã phát hiện ra việc sử dụng deepfake đã tăng gấp 10 lần vào năm ngoái.

Sumsub xác định Hồng Kông là một trong năm thị trường hàng đầu ở châu Á về gian lận danh tính với tỷ lệ 3,3% vào năm ngoái. Bangladesh có mức cao nhất là 5,4%. Trong quý đầu tiên của năm nay, gian lận trong ngành fintech ở Hồng Kông đã tăng với tốc độ 3,8%, nhanh hơn 216% so với tốc độ cùng kỳ năm trước. Deepfake đã gây ra thiệt hại hàng chục triệu USD cho người dân trong khu vực.

Vào năm 2020, một người quản lý tại một ngân hàng Nhật Bản đã bị lừa bởi âm thanh giả mạo giọng nói của giám đốc để chuyển 35 triệu USD. Một công ty đa quốc gia khác đã mất 25,6 triệu USD vì một vụ lừa đảo liên quan đến cuộc gọi video giả mạo giống giám đốc tài chính.

SFC ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn trong việc gắn cờ các trò lừa đảo liên quan đến tiền điện tử trên trang web của mình. Trong số 29 nền tảng giao dịch tài sản ảo đáng ngờ được SFC liệt kê, 18 cảnh báo đã được đưa ra trong năm nay và 24 trong số đó đã được đưa ra kể từ vụ bê bối JPEX vào tháng 9 năm ngoái.

Hồng Kông hiện đang là một trung tâm hàng đầu về tiền điện tử và tài sản điện tử trong khu vực. Vì vậy, Cơ quan quản lý địa phương cũng đã tích cực hơn trong việc gắn cờ (đánh dấu cảnh báo) các sản phẩm đáng ngờ khác liên quan đến tiền điện tử. Vào thứ Hai tuần này, SFC cũng đã cảnh báo về một sản phẩm đầu tư có tên LENA Network liên quan đến các thỏa thuận đặt cọc, vay và cho vay tiền điện tử.

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/viet-nam-va-nhat-ban-chung-kien-nhieu-cuoc-tan-cong-lua-dao-bang-deepfake-hang-dau-tai-chau-a-3392.html