Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù nhiều chủ đầu tư đã tung nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu lên tới 25-40% giá trị sản phẩm nhưng lượng hàng bán ra của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng không đáng kể.
Báo cáo mới đây của đơn vị DKRA Việt Nam cũng cho thấy tình trạng ế ẩm đang xảy ra ở hầu hết các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trên địa bàn cả nước. Cụ thể, trong tháng 8 vừa qua, phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng chỉ bán được 3 căn, biệt thự nghỉ dưỡng chỉ bán được 9 căn, condotel bán được 17 căn.
Thanh khoản yếu ớt khiến các dự án mở bán tiếp tục áp dụng rộng rãi nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết thuê lại... nhằm kích cầu thị trường. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư biệt thự nghỉ dưỡng còn áp dụng các chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu đãi chiết khấu nhanh lên đến 40-50% nhằm kích cầu khách mua.
Tuy nhiên, nhìn chung sức cầu của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm 2022. Những bất ổn kinh tế vĩ mô, cũng như tình hình ảm đạm của thị trường khiến người mua trở nên thận trọng hơn khi đưa ra quyết định đầu tư.
Tình trạng ế ẩm đã đẩy lượng tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng tăng cao, đặc biệt là phân khúc condotel. Theo số liệu của bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (D&R) Công ty DKRA Việt Nam, lũy kế đến tháng 6, lượng tồn kho condotel đã tăng vọt lên 42.364 căn, nhiều hơn lượng tồn kho shophouse biển và biệt thự nghỉ dưỡng cộng lại khoảng 30.000 căn.
Ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ một căn biệt thự nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng cho biết, căn biệt thự này ông mua đầu tư đã được 3 năm và đang gửi môi giới rao bán lại. Nhận thấy tình trạng ế ẩm trên thị trường, ông đã thực hiện nhiều chính sách giảm giá, chiết khấu cao nhưng vẫn không có khách hàng quan tâm.
“Giá bán hiện tại đã giảm hơn một nửa so với trước đây nhưng khách hàng vẫn đòi giảm giá thêm mới chịu mua. Nếu tình trạng này kéo dài đến hết năm nay thì khả năng cao tôi sẽ mất trắng tiền đầu tư căn biệt thự này”, ông Mạnh cho biết.
Theo bà Nguyễn Tố Uyên – Trưởng bộ phận Tư vấn Savills Hotels, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều biến động, việc các nhà đầu tư thực hiện tái cấu trúc danh mục là điều dễ hiểu.
Trước đại dịch, nhiều người mua sản phẩm ngôi nhà thứ hai nhằm mục đích đầu tư và thường sử dụng đòn bẩy tài chính hỗ trợ các giao dịch bất động sản này. Dưới những tác động kéo dài từ đại dịch, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng bị gián đoạn, khiến các dự án ngôi nhà thứ hai gặp khó khăn trong việc tạo ra dòng tiền để nhà đầu tư chi trả các khoản vay, dẫn đến tình trạng một số nhà đầu tư gặp áp lực lớn từ ngân hàng, tổ chức tài chính và buộc phải “cắt lỗ” để giảm áp lực tài chính.
“Sự phục hồi của ngành du lịch, tốc độ tăng trưởng lượt khách là một trong những động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu lưu trú ngày càng đa dạng của nhiều đối tượng khách hàng. Ngoài ra, các hướng dẫn gần đây về việc cấp giấy chứng nhận cho căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng cũng là một tín hiệu tích cực, kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường”, bà Uyên nói.
Còn theo ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (D&R) Công ty DKRA Việt Nam, giữa bối cảnh kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, du lịch chưa hồi phục như kỳ vọng đã khiến tình hình giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước kém khả quan. Các chương trình ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất,... vẫn được áp dụng rộng rãi để thu hút sự quan tâm của khách hàng nhưng thị trường vẫn duy trì trạng thái trầm lắng kéo dài.
Vị chuyên gia này dự báo, trong vài tháng tới, sức cầu chung của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có sự cải thiện nhưng không có nhiều đột biến. Trong thời gian ngắn hạn vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của loại hình này.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bat-dong-san-nghi-duong-mua-di-ban-lai-cat-lo-van-e-344.html