Nội bộ lục đục, OpenAI lại tiếp tục bị tố dùng “chui” giọng nói của Scarlett Johanssn cho GPT-4o

Sau khi bị Scarlett Johansson cáo buộc đã sử dụng trái phép giọng nói của cô cho hệ thống GPT-4o, OpenAI đã phải tạm để tránh những rắc rối pháp lý có thể xảy ra. Trong khi đó, những bàn luận về nội bộ lục đục vẫn tiếp tục bủa vây công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới.

Ngôi sao điện ảnh Scarlett Johansson cho biết cô “bị sốc” khi nghe giọng nói mà chatbot tổng hợp GPT-4o của OpenAI sử dụng để tương tác với người dùng. Giọng nói này giống của cô đến kỳ lạ. Trước đó, cô đã từ chối hợp tác với nhà sản xuất ChatGPT trong một dự án như vậy.

Johannson nói trong một tuyên bố hôm thứ Hai: “Tôi bị sốc, tức giận và không tin rằng ông Altman (CEO OpenAI) sẽ theo đuổi một giọng nói giống tôi một cách kỳ lạ đến mức những người bạn thân nhất của tôi và các cơ quan báo chí không thể nhận ra sự khác biệt”.

scarlett-johansson-1716279386.jpg
Ngôi sao điện ảnh Scarlett Johansson đã tham gia lồng tiếng cho một bộ phim đình đám "Her" với nội dung nói về trí tuệ nhân tạo và gây ấn tượng đặc biệt với giọng nói của mình.

Johannson cho biết vào tháng 9 năm ngoái, CEO OpenAI là Sam Altman đã đề nghị thuê cô làm việc với công ty để tạo ra giọng nói tổng hợp, nói rằng nó có thể mang lại cho mọi người sự thoải mái khi tương tác với AI.

Altman trước đây đã chỉ ra nhân vật do Johansson lồng tiếng trong phim Her – một câu chuyện cảnh báo về tương lai trong đó một người đàn ông phải lòng một chatbot AI – là nguồn cảm hứng cho việc anh ấy muốn tương tác với AI sẽ đi đến đâu.

Johannson cho biết Altman đã cố ý ám chỉ sự giống nhau trong giọng nói tại thời điểm ra mắt thế hệ chatbot AI mới nhất của mình vào tuần trước. Lúc đó, Sam Altman đã đăng một dòng tweet trên X chỉ với một từ: “Her”.

Theo OpenAI, giọng nói “Sky” đang được đề cập là dựa trên giọng nói tự nhiên của một nữ diễn viên chuyên nghiệp khác và không có nghĩa là nghe giống Johansson. OpenAI cho biết trong bài đăng trước công chúng: “Chúng tôi tin rằng giọng nói của AI không nên cố tình bắt chước giọng nói đặc biệt của người nổi tiếng”.

“Giọng của Sky không phải là sự bắt chước của Scarlett Johansson", công ty khẳng định. Mặc dù vậy, OpenAI đã ngay lập tức  “tạm dừng” giọng nói Sky để giải quyết những vấn đề có thể khiến gây nhầm lẫn như phản ánh của ngôi sao hạng A. Công ty cho biết, “Chúng tôi đã nhận được câu hỏi về cách chọn giọng nói trong ChatGPT, đặc biệt là Sky”.

Johansson cho biết cô đã yêu cầu OpenAI cung cấp bản kê khai chi tiết về cách “Sky” được tạo ra. Công ty giải thích rằng họ đã làm việc với các diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp để tạo ra các giọng tổng hợp có tên Breeze, Cove, Ember, Juniper và Sky. Tuy nhiên, trong khi những giọng nói khác không mấy ấn tượng thì Sky đã trở thành tâm điểm chú ý vào tuần trước khi OpenAI sử dụng nó để trình diễn trong sự kiện phát hành phiên bản “GPT-4o”. Chatbot mới khiến người dùng "sởn gai ốc" vì có khả năng tương tác theo thời gian thực bằng giọng nói, linh hoạt như đang trò chuyện với người thực.

open-ai-gpt-4o-1716280053.jpg
GPT-4o gây kinh ngạc vì khả năng tương tác bằng giọng nói theo thời gian thực đối với người dùng đã sử dụng giọng nói giống như của Scarlett Johansson.

Trong bản demo, phiên bản mới của Sky đôi khi thậm chí còn có thể tán tỉnh người đối diện và khá hài hước, có khả năng chuyển liền mạch từ chủ đề này sang chủ đề tiếp theo, không giống như hầu hết các chatbot hiện có.

Cho đến nay, trong cơn sốt AI, hầu hết các gã khổng lồ công nghệ đều miễn cưỡng nhân bản hóa các chatbot quá mức.
Phó chủ tịch Microsoft Yusuf Mehdi cho biết công ty của ông – vốn có quan hệ đối tác với OpenAI đã tìm cách đảm bảo rằng AI không phải là “anh ấy hay cô ấy” mà là một “thực thể độc nhất”. “Nó không nên là con người. Nó không thở. Bạn có thể… hiểu (nó) là AI,” ông nói.

Sau khi GPT-4o ra mắt, dư luận lập tức chú ý hơn tới OpenAI, không phải vì những tính năng đột phá của chatbot mới mà bởi sự tan rã của một nhóm chuyên trách về nghiên cứu, phòng ngừa những rủi ro của trí tuệ nhân tạo đối với con người. Nhóm Superalignment chính thức khép lại khi các nhân sự chủ chốt rời đi vì không đạt được sự thống nhất về phân bổ tài nguyên từ OpenAI. Người đồng sáng lập công ty Ilya Sutskever và đồng lãnh đạo nhóm là Jan Leike đã tuyên bố rời công ty có trụ sở tại San Francisco vào tuần trước.

Trên mạng xã hội X, đồng sáng lập kiêm CEO Sam Altman bày tỏ nỗi buồn khi thấy Leike rời đi và cho biết công ty còn nhiều việc phải làm.

Nội bộ OpenAI đang có sự phân hóa, lục đục, điều này được cho là có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc phát triển các mô hình AI sắp tới. Những bất ổn trong nội bộ được cho là bắt đầu từ thời điểm Altman bất ngờ bị sa thải vào tháng 11/2023 vì “không thẳng thắn trong giao tiếp với ban quản trị”. Chưa đến 1 tuần sau, Altman đã được mời trở lại vị trí dẫn dắt OpenAI nhưng những tranh cãi về nội bộ và cách phát triển AI vẫn tiếp tục gây tranh cãi.

Trong khi truyền thông đưa tin Sutskever muốn tập trung vào đảm bảo AI không gây hại cho con người, thì những người khác, bao gồm Altman lại háo hức thúc đẩy việc cung cấp công nghệ mới. 

Với sự tan rã của nhóm Superalignment, nhiều người băn khoăn không biết AI sẽ đi tới đâu. Sam Altman buộc phải lên tiếng sau đó, mặc dù công ty không còn một nhóm chuyên trách nhưng họ cũng sẽ vẫn kiên trì mục tiêu đảm bảo cho AI được an toàn.

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/noi-bo-luc-duc-openai-lai-tiep-tuc-bi-to-dung-chui-giong-noi-cua-scarlett-johanssn-cho-gpt-4o-3484.html