Siêu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam sẽ trở thành nơi trung chuyển tầm cỡ quốc tế?

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang lấy ý kiến để xây dựng đề án đầu tư cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất nước, mang tầm cỡ châu lục và thế giới.

Vào tháng 5/2023, Báo Chính phủ từng đưa tin về việc 348 cảng container toàn cầu được Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence công bố bảng xếp hạng về Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index - chỉ số hoạt động cảng container). Trong đó cảng Cái Mép – Thị Vải của Việt Nam đứng vị trí thứ 12, cao hơn một vài cảng biển lớn của các quốc gia phát triển như Cảng Yokohama Nhật Bản (vị trí thứ 15), Cảng Singapore (đứng thứ 18), Cảng Busan – Hàn Quốc (đứng thứ 22).

Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Đề án: “Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới”.

cang-cai-mep-thi-vai-4-1716281348.jpg
Tàu COSCO SHIPPING ROSE (khai thác trên tuyến Châu Á - Hoa Kỳ) cập cảng Cái Mép - Thị Vải ngày 24/10/2023 (Ảnh: Huỳnh Sơn - Báo Ảnh Việt Nam)

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam – ông Hoàng Hồng Giang đã đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thúc đẩy các thủ tục đầu tư, khai thác trung tâm logistics Cái Mép – Thị Vải một cách hiệu quả, đảm bảo nơi đây trở thành một trung tâm kết nối không chỉ phạm vi trong nước mà còn của ở khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Giang cho rằng Đề án cần bổ sung nghiên cứu chi tiết về thị trường vận tải toàn cầu, thị phần vận tải của từng hãng tàu trên thế giới và các cảng biển đã được hãng tàu lựa chọn làm nơi trung chuyển, phân phối hàng hóa.

Bộ Chính trị cũng đề ra nhiệm vụ hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép – Thị Vải.

Cảng Cái Mép - Thị Vải nằm ở cửa sông Thị Vải và sông Cái Mép, đây là cụm cảng biển nước sâu lớn nhất nước ta với tổng chiều dài hơn 14km. Dự án này được đầu tư tại huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) với tổng vốn đầu tư 12.891 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng Việt Nam và vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Năm 2008, dự án được khởi công xây dựng với 6 gói thầu xây lắp, 2 gói thầu dịch vụ tư vấn. Trong đó, quan trọng nhất là gói thầu số 1 xây dựng cảng container Cái Mép và gói thầu số 2 xây dựng cảng hàng tổng hợp Thị Vải với năng lực từ 1,6 - 2 triệu tấn/năm.

cang-cai-mep-thi-vai-2-1716281537.jpg
Container lưu bãi tại cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) thuộc hệ thống cảng Cái Mép -Thị Vải (Ảnh: Huỳnh Sơn - Báo Ảnh Việt Nam)

Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải là một trong những dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng. Cùng với việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP. HCM… cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và khu thương mại tự do gắn với cảng biển sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ trong tương lai gần.

Đánh giá về năng lực cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng – Kỹ thuật biển – ông Phạm Anh Tuấn cho hay, tới nay đã có 48 tuyến container vào cảng biển này. Trong đó có 14 tuyến nội địa và 34 tuyến quốc tế. Các bến cảng container tại Cái Mép hiện đứng thứ 12 trên thế giới về chỉ số hoạt động tốt nhất và thứ 32 về công suất. Các bến tổng hợp tại khu vực Thị Vải có thể tiếp nhận được tàu đến 100.000 tấn trọng lượng tổng cộng của toàn bộ thủy thủ đoàn, hành khách, hàng hóa, nhiên liệu, nước ngọt... trên tàu; khu bến chuyên dùng tại Cái Mép tiếp nhận tàu LNG (chở khí tự nhiên hóa lỏng) trọng tải 92.713 tấn; khu bến container tại Cái Mép tiếp nhận tàu container trọng tải đến 232.494 tấn.

cang-cai-mep-thi-vai-3-1716281597.jpg
Tàu Maran Gas Achilles của Hy Lạp chở 70.000 tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã cập hệ thống kho cảng LNG Thị Vải vào ngày 10/7/2023. Đây là chuyến tàu chở LNG đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam (Ảnh: Huỳnh Sơn - Báo Ảnh Việt Nam)

Việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng luồng vào cảng, đường kết nối cảng của cảng Cái Mép – Thị Vải đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, các hãng vận tải biển lớn của thế giới đến từ Mỹ, Đan Mạch, Nhật Bản, Singapore, Hongkong… Điều này đã hình thành hệ thống cảng container hoàn chỉnh, hiện đại, tạo điều kiện mở rộng thông thương quốc tế và giúp hàng hóa xuất – nhập khẩu Việt Nam đi trực tiếp tới các cảng ở Châu Âu, châu Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 9/2023, Nhà Trắng từng thông báo, Công ty điều hành cảng SSA Marine (trụ sở tại Seattle, Mỹ) và Công ty Gemadept (trụ sở TP. HCM) sẽ công bố ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam, trong đó có mối quan tâm chung về việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép – Thị Vải trị giá 6,7 tỷ USD.

Ngoài doanh nghiệp quốc tế, siêu cảng Cái Mép – Thị Vải còn được nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong nước quan tâm như: Liên doanh Geleximco - ITC, Liên danh Besix - Boskalis - Hateco, Saigontel, Công ty CP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, Tập đoàn Mặt Trời, TCT Tân Cảng Sài Gòn, IMG Innovations.

Hà Lan

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/cang-nuoc-sau-lon-nhat-viet-nam-se-tro-thanh-sieu-cang-trung-chuyen-tam-co-quoc-te-3485.html