Theo số liệu thống kế, tuổi thọ trung bình của người Việt năm 2023 là 76,5 tuổi với nữ giới và 71,1 với nam giới. Tuổi thọ của người Việt ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng sống của nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhiều khó khăn vì không phải ai cũng có lương hưu hay trợ cấp khi về già.
Để phù hợp với thực tế đời sống, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đã có nhiều sửa đổi về trợ cấp hưu trí xã hội như giảm độ tuổi được hưởng từ 80 xuống 75. Theo đó, dự thảo quy định, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện: Đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của Chính phủ.
Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn đồng thời đảm bảo quy định thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Trường hợp đối tượng được quy định trong Luật này đang có mức hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng cao hơn so với mức trợ cấp hưu trí xã hội thì chỉ được hưởng một mức cao nhất.
Ngoài ra, tùy điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật, Khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định về người cao tuổi.
Bên cạnh đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, điểm mới nữa trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội phải kể đến việc bổ sung tầng hưởng trợ cấp hàng tháng do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.
Dự thảo quy định, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng. Nghĩa là, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hàng tháng (mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Mức hưởng phụ thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Đồng thời, trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng, người cao tuổi được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đóng.
Cơ quan soạn thảo dự luật cho biết, quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng mà ngân sách Nhà nước không phát sinh tăng nhiều.
Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800.000 người do giảm tuổi và khoảng 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản (BHXH bắt buộc và tự nguyện).
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho rằng, cùng với giảm từ 80 xuống 75 tuổi theo đề xuất của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi thì mức trợ cấp hưu trí cũng phải được nâng lên.
Hiện mức trợ cấp hưu trí hàng tháng với người không hưởng lương hưu từ đủ 80 tuổi trở lên là 360.000 đồng/tháng. Con số này được đánh giá là thấp. Do đó, cùng với cải cách tiền lương, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đang đề xuất tăng chuẩn trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng hoặc 750.000 đồng/tháng.
Phúc Hưng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-gia-van-duoc-huong-tro-cap-huu-tri-xa-hoi-du-khong-co-luong-huu-3513.html