Nhóm doanh nghiệp bất động sản dân cư kéo lùi sâu lợi nhuận toàn ngành

Theo báo cáo mới công bố của WiGroup, lợi nhuận sau thuế toàn ngành bất động sản trong quý I/2024 giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mức giảm của bất động sản dân cư chiếm 92,3%.

WiGroup cho biết, trong quý I/2024, lợi nhuận sau thuế của 110 doanh nghiệp bất động sản ghi nhận giảm 13.000 tỉ đồng, tương đương 82% so với quý I năm ngoái và 68% so với quý trước. Đồng thời, ghi nhận mức lợi nhuận theo quý thấp nhất kể từ năm 2021. Bất động sản dân cư là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này với 12.000 tỉ đồng, tương đương 92,3% mức giảm toàn ngành.

Trước đó, số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2024 của các doanh nghiệp công bố tính đến ngày 28/4/2024 do FiinTrade thực hiện cũng chỉ rõ, lợi nhuận sau thuế của 60/130 doanh nghiệp bất động sản có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán (đại diện cho 74,4% vốn hóa toàn ngành) giảm 82% so với cùng kỳ năm trước.

bat-dong-san-dan-cu-1716395862.jpg

Bất động sản dân cư là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận toàn ngành bất động sản suy giảm 82%

Tác động lớn nhất đến đà suy giảm này là do Vinhomes (mã chứng khoán: VHM). Cụ thể, kết thúc quý I/2024, doanh thu thuần của Vinhomes giảm 71% so với cùng kỳ đạt 8.211 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 904 tỉ đồng, giảm 92% so với quý I/2023. Doanh thu và lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ năm trước do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang trong quá trình xây dựng. Trong khi đó, chi phí tài chính mà chủ yếu là chi phí lãi vay và phát hành trái phiếu tăng tới 56%.

Tuy nhiên, nếu không tính đến Vinhomes thì lợi nhuận của 59 doanh nghiệp bất động sản còn lại vẫn giảm 15,1% so với quý I/2023. Kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý I/2024 cũng là tình hình chung tại nhiều “ông lớn” khác trong ngành bất động sản nhà ở như Novaland (mã chứng khoán: NVL), Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG), DIC Corp (mã chứng khoán: DIG).

Cụ thể, tại Novaland, doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 697 tỉ đồng. Tuy nhiên, do hụt nguồn thu tài chính, cụ thể là lãi từ các hợp đồng đầu tư đã khiến doanh nghiệp lỗ gần 601 tỉ đồng, tăng 46,5% so với cùng kỳ.

Tương tự, DIC Corp cũng báo lỗ 121,24 tỉ đồng trong quý I/2024 – đây là mức lỗ cao nhất từ năm 2009 tới nay. Đại diện doanh nghiệp cho biết, mức lỗ này là do lớn do kinh doanh dưới giá vốn khi ghi nhận hàng bán bị trả lại với giá trị 186 tỷ đồng.

Kết thúc 3 tháng đầu năm, Đầu tư Nam Long ghi nhận lợi nhuận âm 65 tỉ đồng. Nguyên nhân được công ty lý giải là do giảm doanh thu bán căn hộ và giảm phần lãi nhận được từ công ty liên doanh Mizuki so với cùng kỳ 2023.

ket-qua-kinh-doanh-quy-1-1716396161.png

Vinhomes (VHM) là doanh nghiệp có tác động lớn nhất đến mức giảm của nhóm doanh nghiệp bất động sản dân cư

Nhận định về tình hình các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024, ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch HĐQT Nam Long cho rằng, sẽ đối mặt với 3 thách thức chính là xử lý hàng tồn kho, nợ quá hạn và tình trạng khách hàng thanh lý hợp đồng.

Không chỉ kết quả kinh doanh sụt giảm, báo cáo của WiGroup còn cho biết, áp lực nợ tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp bất động sản đang tăng. Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 28/2, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 20.712 tỉ đồng so với cuối năm 2023.

Trong khi đó, giá trị phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản ở mức thấp, áp lực đáo hạn lại cao. WiGroup ước tính, có khoảng 115.663 tỉ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn, chiếm 41,4% tổng số trái phiếu đáo hạn trong năm nay. Tính đến ngày 14/5, chỉ số định giá P/B của các doanh nghiệp bất động sản dao động quanh mức 1,38 lần, thấp hơn mức trung bình toàn ngành là 1,56 lần.

vay-no-nhom-doanh-nghiep-bds-1716396493.png

 

Nhận định về tình hình các doanh nghiệp bất động sản trong năm nay, ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch HĐQT Nam Long cho rằng, sẽ đối mặt với 3 thách thức chính là xử lý hàng tồn kho, nợ quá hạn và tình trạng khách hàng thanh lý hợp đồng.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có những yếu tố tích cực hỗ trợ như việc nhu cầu nhà ở của người dân lớn, mặt bằng lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp, các biện pháp gỡ vướng cho các dự án tiếp tục được thúc đẩy. Bên cạnh đó, ngành bất động sản được hỗ trợ bởi bộ ba luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sắp có hiệu lực và nhu cầu phục hồi trở lại.

Số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy sự khởi sắc của thị trường. Theo đó, trong quý I/2024, có khoảng 30.511 sản phẩm được tung ra thị trường, với hơn 4.626 sản phẩm lần đầu ra mắt, còn lại là hàng tồn kho của giai đoạn mở bán trước. Tỷ lệ hấp thụ đạt 21%, tăng 4% so với quý trước và gấp 3 lần cùng kỳ, các dự án mới ghi nhận tỷ lệ hấp thu tốt tới 51%. Về giao dịch, có khoảng 6.360 giao dịch trong 3 tháng đầu năm, tăng 10% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm 2023.

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhom-doanh-nghiep-bat-dong-san-dan-cu-keo-lui-sau-loi-nhuan-toan-nganh-3525.html