Do ảnh hưởng tiêu cực từ El Nino và La Nina, nền nhiệt tại hầu hết các địa phương trên cả nước đều tăng cao, nhất là thời điểm này đã bước vào mùa hè. Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điều hòa của người dân cũng tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay không có nhiều người ý thức được điều hòa cũng có nguy cơ bị cháy nổ.
Mới đây, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố thời gian vừa qua đã ghi nhận một số vụ cháy, nổ liên quan đến điều hòa, cụ thể là từ cục nóng điều hòa.
Điển hình như vào ngày 16/5 vừa qua, một nhà dân nằm trên phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra nổ cục nóng điều hòa. Vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng là hồi chuông cảnh báo đối với các hộ gia đình khi sử dụng hay bảo dưỡng, lắp đặt điều hòa. Bởi thực tế từng ghi nhận, giữa năm 2023, một vụ nổ cục nóng điều hòa đã xảy ra tại Vĩnh Phúc đã khiến 2 người thương vong.
Trước nguy cơ các vụ cháy điều hòa nói riêng và thiết bị điện nói chung có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội khuyến cáo, để bảo đảm an toàn khi lắp đặt máy điều hòa, người dân cần tính toán vị trí trước khi lắp đặt, chú ý về tiết diện dây dẫn và thiết bị bảo vệ (aptomat).
Bên cạnh việc lựa chọn thiết bị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp với công suất sử dụng và các quy trình bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ… thì người sử dụng cũng cần tìm hiểu kỹ về quá trình vận hành của thiết bị.
Lực lượng chức năng khuyến cáo, người dân vào những ngày nắng nóng chỉ nên sử dụng điều hòa với cường độ hợp lý, cho điều hòa nghỉ sau một khoảng thời gian nhất định để hạ nhiệt dàn nóng, từ đó hiệu quả làm mát cao hơn. Đảm bảo điều hòa hoạt động bền bỉ, không trục trặc trong thời gian dài đồng nghĩa với việc bảo đảm sự an toàn cho chính người sử dụng.
Một nguyên nhân khác cũng dẫn đến cháy nổ điều hòa là từ cục nóng. Việc sử dụng điều hòa liên tục với nhiệt độ chênh lệch quá cao khiến cục nóng điều hòa quá tải nhiệt. Thực tế, khi bảo dưỡng, thợ chủ yếu chỉ vệ sinh cục lạnh. Nhiều gia đình còn sắp xếp các đồ vật dễ cháy như giấy, nhựa... ngay phía dưới cục nóng nên khi xảy ra sự cố chập điện sẽ dễ bắt lửa, bùng cháy rất nhanh, gây khó khăn cho việc khống chế, dập lửa.
Một số kỹ sư điện cho biết, việc bảo dưỡng, lắp đặt, thay thế điều hòa đơn giản nhưng phải tuân thủ đúng quy trình nếu không sẽ xảy ra hậu quả khôn lường. Để bảo đảm an toàn, trước khi bảo dưỡng phải kiểm tra độ hở xem gas có rò rỉ hay không, từ đó ngắt cầu dao điện và khóa van gas của cục nóng thì mới tiếp tục làm các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu lắp đặt, bảo dưỡng điều hòa của người dân đã dẫn đến tình trạng thợ "chạy xô" nhiều nhà trong một ngày. Trong khi đó, môi trường làm việc có những nơi rất khó khăn do cục nóng đặt trên cao, lao động trong thời tiết nắng nóng dễ dẫn đến việc chủ quan, cẩu thả gây nguy hiểm cho người sử dụng và chính bản thân người thợ.
Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 1.555 vụ cháy, nổ, làm 28 người chết và 26 người bị thương, thiệt hại ước tính 89,8 tỷ đồng. Riêng trong tháng 4, toàn quốc xảy ra 372 vụ cháy, làm chết 3 người, bị thương 2 người, về tài sản ước tính sơ bộ khoảng 18,69 tỷ đồng. Các vụ cháy vẫn chủ yếu xảy ra tại thành thị với 218 vụ, nông thôn xảy ra 154 vụ.
Về nguyên nhân dẫn đến cháy nổ trong tháng 4, cơ quan chức năng đã xác định được 204 vụ trong tổng số 376 vụ. Trong đó, 154 vụ xảy ra do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện (chiếm 75,5%), 32 vụ do sơ xuất, bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, 1 vụ do sét đánh, 6 vụ do sự cố kỹ thuật, 2 vụ do tự cháy và 9 vụ do nguyên nhân khác.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/canh-bao-nguy-co-chay-no-dieu-hoa-tu-cong-an-3535.html