Mới đây, đại diện đơn vị thi công cho biết, dự án cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai sẽ hoàn thiện và đưa vào khai thác vào cuối tháng 10/2024.
Đến nay, việc thi công tại cây cầu này đã đạt trên 70% khối lượng công việc. Các hạng mục như mố cầu, trụ cầu dưới sông đã thành hình; các trụ cọc chống va, dầm cầu đã xây dựng xong. Nhiều nhịp cầu được lao lắp và hình hài cây cầu cũng lộ diện rõ rệt trên dòng sông rộng lớn.
Thông tin từ đại diện đơn vị thi công, cầu Bạch Đằng 2 dự kiến sẽ được hợp long và khoảng giữa tháng 6/2024. Tới ngày 31/10/2024 sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành, khai thác.
Cầu Bạch Đằng 2 là một trong những dự án giao thông trọng điểm, đóng vai trò kết nối các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Cây cầu này nối hai xã Bạch Đằng (TP. Tân Uyên, Bình Dương) và xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai).
Dự án cầu Bạch Đằng 2 cùng hai đường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8km. Trong đó, phần cầu chính dài khoảng 410m, rộng 17m, 4 làn xe, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với vận tốc 80km/h.
Dự án có tổng vốn đầu tư 490 tỷ đồng (bao gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng) từ ngân sách tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, mỗi địa phương chi 50% kinh phí cho phần cầu chính. Riêng phần đường dẫn trên địa bàn, các tỉnh tự đầu tư xây dựng.
Cây cầu được khởi công xây dựng từ tháng 12/2021 và dự kiến sẽ hoàn thành trong 450 ngày. Thế nhưng do gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, cùng với những tác động, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nên dự án bị chậm tiến độ. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bình Dương đã cho phép gia hạn tiến độ thực hiện đối với dự án này.
Được biết dự án do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty CP Xây dựng và đầu tư 492 triển khai thi công.
Hiện nay, để đẩy nhanh tiến độ phần cầu chính và đường dẫn 2 bên, đơn vị nhà thầu đang triển khai nhiều mũi thi công, tăng ca, tăng kíp liên tục, xuyên lễ tết…
Cầu Bạch Đằng 2 khi hoàn thiện và đi vào sử dụng sẽ xóa bỏ cách trở liên vùng của 2 tỉnh động lực phía Nam là Bình Dương và Đồng Nai; giúp tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cây cầu này còn giúp người dân không phải chịu cảnh “qua sông lụy phà” đầy bất tiện và nguy hiểm như hiện nay.
Theo tìm hiểu, những năm trước 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai bị ngăn cách bởi sông Đồng Nai. Nhằm tăng tính kết nối, thời gian qua cả 2 địa phương đã có nhiều cuộc họp, bàn bạc, trao đổi và thống nhất các vị trí kết nối giữa Đồng Nai – Bình Dương. Qua khảo sát, 2 tỉnh thống nhất xây dựng, bổ sung thêm 4 cây cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Bé, gồm: Cầu Tân An – Lạc An, cầu Hiếu Liêm 2, cầu Thạnh Hội 2, cầu Tân Hiền – Thường Tân, cầu Tân Ba – Cửu Long.
Hà Lan
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/cau-bach-dang-2-bang-bang-ve-dich-nguoi-dan-sap-thoat-canh-qua-song-luy-pha-3539.html