Nguy cơ mất việc bởi AI, nhân sự học cách thích nghi như thế nào?

Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) bên cạnh việc mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới với mức lương hấp dẫn cũng khiến cho một số ngành đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Và, những nhân sự trong ngành đã làm gì để thích nghi và phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ của AI?

Câu chuyện của một họa sĩ tìm cách thích nghi với AI

Sanjin theo học chuyên ngành khoa học và kỹ thuật nhưng anh lại không thực sự thích ngành học này. Sanjin thích vẽ tranh và đã có gần mười năm kinh nghiệm, sau khi tốt nghiệp anh đã lựa chọn thử việc tại một công ty sản xuất game.

Mặc dù ngành công nghiệp game đang bùng nổ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Sanjin nhưng khi trí tuệ nhân tạo ra đời, công việc của Sanjin cũng bị ảnh hưởng.

Công ty của Sanjin đã thành lập một nhóm đặc biệt để phát triển các công cụ vẽ tranh AI. Sanjin ý thức được rằng công cụ này được tạo ra nhằm thay thế bản thân mình nhưng trên thực tế anh ấy vẫn phải đưa ra những ý tưởng để cải thiện nó. Mặc dù các công cụ vẽ này vẫn chưa đạt được trình độ như con người nhưng Sanjin vẫn tin rằng mình có thể sớm sẽ bị thay thế.

hoa-si-ai-1716520659.jpg
Mặc dù các công cụ AI hỗ trợ vẽ vẫn chưa đạt được trình độ như con người nhưng không loại trừ khả năng bị thay thế trong tương lai

Ở lĩnh vực này, khi nhận được yêu cầu, AI sẽ tìm các dấu hiệu liên quan dựa trên từ khóa và bắt chước các dấu hiệu rồi vẽ và sửa đổi chúng dựa trên phản hồi của doanh nghiệp. Nếu chỉ xét về tốc độ tìm, tạo ra bản thảo đầu tiên và tốc độ điều chỉnh dựa trên phản hồi thì con người không phải là đối thủ của công nghệ.

Với Sanjin đây giống như một cuộc khủng hoảng tinh thần. Do đó, anh cũng bắt đầu học Midjourney, Stable Diffusion và thành thạo hơn trong việc sử dụng các công cụ này để tạo bản vẽ. Tuy nhiên, nhiều công cụ trong số đó vẫn yêu cầu điều chỉnh thủ công ở giai đoạn sau nhưng không thể phủ nhận chúng đã mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với việc tự vẽ.

Sau một thời gian thích nghi, Sanjin cảm thấy hài lòng về bản thân. Giờ đây, anh đã từ một nhà thiết kế và họa sĩ minh họa trở thành một nhà thiết kế AI và họa sĩ AI.

Nguyên nhân nhiều người cảm thấy khủng hoảng với AI

Qidian đảm nhận việc quay TVC và chụp ảnh thương mại cho một công ty quảng cáo nhỏ. Anh cho biết, hiện tại anh không thể tách rời Midjourney tại nơi làm việc. Nhưng các đối tác và nhân viên khác lại không cảm thấy AI mạnh mẽ đến vậy nên nhiều người tỏ ra nghi ngờ anh đang có xu hướng chạy theo công nghệ.

Qidian thấy rằng rất nhiều người có suy nghĩ như vậy. Bởi khi người dùng tình cờ trò chuyện với AI thường nhận được những câu trả lời thú vị nhưng khi có mục đích rõ ràng thì AI lại thường gây thất vọng. Chính điều này đã khiến nhiều người cảm thấy AI tuy mạnh nhưng vẫn chỉ là máy móc mà thôi.

Hiện nay, có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vai trò của AI nhưng riêng với Qidian, anh cảm thấy rất vui vì AI đã cải thiện hiệu quả công việc của bản thân anh.

lap-trinh-ai-4-1716520806.jpg
Việc so sánh tốc độ của con người với máy móc là khập khiễng

Lập trình cho AI

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, việc so sánh tốc độ của con người với máy móc là khập khiễng. Tương lai, khả năng cạnh tranh cốt lõi của các lập trình viên phải nằm ở việc hiểu rõ hoạt động kinh doanh thông qua giao tiếp. Do đó, họ phải hiểu rõ chính xác những gì cần làm và hướng dẫn ChatGPT.

Theo xu hướng phát triển hiện tại thì công việc của các lập trình viên cấp dưới và thực tập sinh sẽ là hoạt động chính của ChatGPT trong tương lai. Vì vậy, đừng để mình bị mắc kẹt trong những công việc này.

Linh Trang

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguy-co-mat-viec-boi-ai-nhan-su-hoc-cach-thich-nghi-nhu-the-nao-3558.html