Mới giải ngân được 3%
Ngày 25/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Theo đó, bên cạnh những kết quả tích cực là cơ bản, việc thực hiện Nghị quyết 43 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, quy mô tối đa 40.000 tỉ đồng thông qua các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Cụ thể, được triển khai từ tháng 1/2022, nhưng tính đến cuối năm 2023, gói hỗ trợ này mới chỉ giải ngân được hơn 1.200 tỉ đồng, tương đương 3% gói hỗ trợ. Số vốn chưa giải ngân còn khoảng 38.800 tỉ đồng. Vì thế, Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn triển khai chính sách này thêm 6 tháng, thay vì kết thúc vào ngày 30/6 tới đây.
Trước kết quả này, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tỷ lệ giải ngân quá thấp, trong khi doanh nghiệp vẫn rất khó khăn về vốn sau dịch Covid-19.
Theo đại biểu Vũ Tuấn Anh – đoàn Phú Thọ, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khi được triển khai đã được xem là giải pháp rất quan trọng để giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với kết quả như hiện nay, có thể thấy chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) cho biết thêm, thủ tục và điều kiện vay là trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp khi tiếp cận chính sách hỗ trợ này. Theo quy định, doanh nghiệp phải đảm bảo 3 có: doanh thu, lợi nhuận, tài sản đảm bảo và không có nợ xấu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy các doanh nghiệp mới rơi vào khó khăn, nên việc đảm bảo đủ các tiêu chí này là hoàn toàn không thể.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nên khi được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, mặc dù đủ điều kiện cũng không đề nghị được hỗ trợ lãi suất. Chưa kể, theo số liệu của VCCI, chỉ 29,5% doanh nghiệp biết tới chính sách, khoảng 2,5% đơn vị nhận được khoản vay.
Lý giải nguyên nhân kết quả thực hiện gói ưu đãi đạt hiệu quả thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu khi triển khai chính sách đã xác định dành hỗ trợ này cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay, không phải dành cho tất cả các doanh nghiệp còn khó khăn.
Sở dĩ xác định đối tượng như vậy là bởi vốn cho vay của chương trình là của các tổ chức tín dụng huy động của người dân, chỉ có phần hỗ trợ lãi suất là từ nguồn ngân sách. Do đó, các tổ chức tín dụng vẫn phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và đảm bảo khả năng thu hồi được nợ.
Cần sửa các tiêu chí
Lý giải nguyên nhân vì sao “chê” gói hỗ trợ lãi suất, ở góc nhìn doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH MTV Đức Toàn (Đắk Nông) cho biết, việc tiếp cận gói lãi suất ưu đãi đòi hỏi thủ tục phức tạp, như báo cáo tài chính, hợp đồng kinh tế, hóa đơn đặt hàng, phiếu nhập - xuất kho, hóa đơn chuyển tiền… không phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bổ sung ý kiến, ông Phạm Minh Tôn – Giám đốc Công ty sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, doanh nghiệp đã khó tiếp cận gói hỗ trợ này do nhiều thủ tục phức tạp, trước, trong và sau giải ngân thì các hợp tác xã, hộ kinh doanh lại càng khó. Có một vấn đề khó xác định nhất đó chính là dù có khả năng trả nợ nhưng không biết xác định thế nào là “có khả năng phục hồi”, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố rủi ro, đơn hàng sụt giảm mạnh như năm qua.
Do đó, đã có rất nhiều doanh nghiệp quyết định từ bỏ gói hỗ trợ này. Lâu dần, khi không giải quyết được nhu cầu vốn, sẽ rơi vào sự lãng quên của những đối tượng được hưởng chính sách.
Từ những thực tế này, một số ý kiến cho rằng, nếu cứ giữ quan điểm cũ thì việc gia hạn thêm 6 tháng không có nghĩa lý gì. Bởi trong suốt quảng thời gian hơn 1 năm trước đó, mới chỉ có hơn 3% vốn được giải ngân thì với 97% vốn còn lại, 6 tháng là không thể đủ.
Nói về vấn đề gia hạn gói chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết, cần phải đưa ra những quy định, tiêu chí vừa đủ chặt chẽ để không làm thất thoát vốn nhưng cũng vừa mang tính chất cởi mở, khuyến khích để các ngân hàng, doanh nghiệp có sự tự tin khi sử dụng chính sách.
Ở một diễn biến khác, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội đã đề xuất không tiếp tục sửa các tiêu chí, điều kiện để hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Thay vào đó, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, chuyển nguồn ngân sách sang cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện như miễn giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất...
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cũng nhấn mạnh, đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian theo kế hoạch, Chính phủ sẽ trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhieu-y-kien-ve-goi-ho-tro-lai-suat-2-cho-doanh-nghiep-phuc-hoi-sau-dai-dich-covid-19-3606.html