Nợ quá hạn tại các ngân hàng đang tăng đáng kể

VIS Ratings cho biết, tỷ lệ nợ xấu trung bình toàn ngành ngân hàng đã tăng lên 2,2% trong 3 tháng đầu năm 2024 so với mức 1,9% hồi cuối năm 2023.

Cũng theo VIS Ratings, các ngân hàng tập trung vào bán lẻ như VIB, VPBank, ABBank ghi nhận nợ quá hạn tăng cao từ cho vay mua nhà. Trong số các ngân hàng quốc doanh, BIDV giảm chất lượng tài sản đáng kể nhất do tỉ lệ nợ xấu gia tăng, tỷ lệ xóa nợ thấp. Trong số các ngân hàng lớn, nợ xấu của MB tăng đáng kể do khoản nợ lớn của một công ty năng lượng tái tạo.

Theo dữ liệu ngành của WiChart, trong quý đầu năm, số dư nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ngành ngân hàng đã bất ngờ quay đầu tăng thêm 14% so với cuối năm 2023, lên 224.010 tỷ đồng. Đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng, vượt qua mức đỉnh ghi nhận hồi quý III/2023. So với cuối năm 2022, nợ xấu toàn ngành đã tăng tới 64%.

Trước đó, báo cáo của SSI cũng cho thấy, sau khi thống kê báo cáo tài chính quý I/2024 của 28 ngân hàng niêm yết, tổng số nợ xấu đạt 224.146 tỉ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2023. Trong đó, số dư nợ xấu của 26/28 ngân hàng đã tăng so với cuối năm. Có 2 ngân hàng có mức tăng nhiều nhất là MB tăng 5.489 tỉ đồng, tương đương 56% so với cuối năm 2023; BIDV tăng 20,7% thêm 4,632 tỉ đồng.

no-xau-mb-1716705289.jpg

Nợ xấu của MB tăng đáng kể do khoản nợ lớn của một công ty năng lượng tái tạo 

SSI cũng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu cả năm 2024 được dự báo sẽ tăng nhẹ so với năm 2023 do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

Trong khi nợ xấu liên tục tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng lại có xu hướng giảm. Theo tổng hợp từ 28 ngân hàng, sau khi phục hồi nhẹ trong cuối quý trước, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong quý I/2024 đã giảm hơn 7% xuống còn 87% - mức thấp nhất kể từ cuối quý III/2023. Trong đó, các ngân hàng dẫn đầu về quy mô cho vay như: Vietcombank, BIDV, VietinBank hay MB thuộc nhóm có tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm sâu nhất.

Thực tế, qua báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, đến cuối quý I/2024, chỉ có 5 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%. Trong khi, cuối năm 2023 có tới 10 ngân hàng trên mốc này, trong đó 4 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ vượt 200%.

Dù vậy, VIS Rating dự báo đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng của ngành sẽ giảm so với năm trước do tỷ lệ hình thành nợ xấu mới suy giảm và các ngân hàng giải quyết các khoản nợ xấu thông qua việc thu hồi hoặc xóa nợ.

no-xau-1716705380.png

Xu hướng nợ xấu tăng trở lại trong quý đầu năm 2024

Liên quan đến câu chuyện giữa MB và 1 công ty năng lượng đang khiến giới tài chính xôn xao trong thời gian gần đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của MB, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết, công ty năng lượng tái tạo mà MB cho vay là Trung Nam Group với 3 dự án điện mặt trời. Cả 3 dự án này đều nằm trong FIT 1 và FIT2. Cả 3 dự án Trung Nam đều được theo đúng kế hoạch, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động liên tục của MB và khách hàng tại thời điểm ĐHĐCĐ.

Theo thống kê từ VNDirect Research, hiện Trung Nam Group đang là nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất tại Việt Nam, sở hữu 9 dự án lớn với vốn đầu tư đã bỏ ra ước hơn 48.000 tỉ đồng. Ngoài MB, Trung Nam còn có “chủ nợ” là BIDV và mối liên hệ về nợ trái phiếu với nhà bảo lãnh.

Đáng chú ý, gần đây, ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung Nam Group bị Cục Hải quan Khánh Hòa gửi thông báo tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế hơn 21 tỉ đồng. Thông tin mới nhất từ BHXH TP.HCM cũng cho biết, tính đến hết ngày 30/4/2024, Trung Nam Group đã nợ bảo hiểm của người lao động trong 4 tháng.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/no-qua-han-tai-cac-ngan-hang-dang-tang-dang-ke-3617.html