Trung Quốc gây quỹ trị giá 47,5 tỷ USD thúc đẩy ngành bán dẫn nội địa, SMIC nguy cơ bị đưa vào danh sách "đen" của Mỹ

Trung Quốc đã thành lập một quỹ đầu tư bán dẫn lớn nhất từ trước đến nay để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chip trong nước. Trong khi đó, công ty chip bán dẫn lớn nhất nước này là SMIC đang có nguy cơ bị đưa vào danh sách “đen” của Mỹ.

Bloomberg dẫn thông tin từ nền tảng đo lường của Tianyancha - công ty dịch vụ công nghệ dữ liệu lớn với kho thông tin doanh nghiệp Trung Quốc, giai đoạn thứ ba của Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia đã tích lũy được 344 tỷ nhân dân tệ (47,5 tỷ USD) từ chính quyền trung ương và nhiều ngân hàng, doanh nghiệp khác nhau, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Quỹ này được thành lập vào ngày 24/5/2024 và nhanh chóng đạt được con số huy động khổng lồ kể trên.

Quỹ đầu tư mới nhất được gọi là Big Fund III nhằm xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn tự chủ, đối phó với các biện pháp hạn chế của Mỹ và đồng minh như Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản.

chip-ban-dan-trung-quoc-1716797753.jpg
Trung Quốc đã huy động gần 50 tỷ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp chip trong nước.

Trong quỹ mới thành lập, bên cạnh sự đóng góp từ các công ty đầu tư thuộc sở hữu của chính quyền địa phương ở Thâm Quyến và Bắc Kinh, cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính Trung Quốc với 17% cổ phần. Chính quyền Thâm Quyến đã hỗ trợ một số nhà máy sản xuất chip ở tỉnh Quảng Đông, nhằm giải phóng Huawei Technologies khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến công ty bị cắt nguồn cung linh kiện bán dẫn nhập khẩu.

Trong số 17 nhà đầu tư tham gia quỹ bao gồm 5 ngân hàng lớn của Trung Quốc: Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Truyền thông, mỗi ngân hàng đóng góp khoảng 6% tổng vốn.

Ngay sau khi quỹ được công bố, các cổ phiếu chip lớn của Trung Quốc đã tăng vọt ngay sau đó. Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, cổ phiếu đã tăng tới 8,1% tại Hồng Kông, trong khi giá cổ phiếu của Hua Hong Semiconductor Ltd cũng tăng hơn 10%.

smic-1716797965.jpg
SMIC là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc ngay lập tức được hưởng lợi từ quỹ hỗ trợ các công ty bán dẫn trong nước.

Các siêu cường do Mỹ và Liên minh châu Âu dẫn đầu đã chi gần 81 tỷ USD để tạo ra thế hệ chất bán dẫn tiếp theo, khiến cho cuộc cạnh tranh chip toàn cầu với Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Đạo luật Khoa học và Chip năm 2022 của chính quyền Mỹ cũng quyết định sẽ dành 39 tỷ USD tài trợ cho các nhà sản xuất chip, cũng như 75 tỷ USD cho các khoản vay và bảo lãnh.

Trung Quốc từ lâu đã có chính sách công nghiệp chủ động hơn, bao gồm chương trình đầy tham vọng mang tên Made in China 2025 nhằm vạch ra các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực công nghệ sinh học, xe điện và chất bán dẫn. Ít nhất kể từ năm 2015 khi chương trình đó được công bố, Trung Quốc đã là nước hỗ trợ hàng đầu cho lĩnh vực này, sử dụng vốn nhà nước để tài trợ cho các nhà sản xuất chip địa phương như SMIC.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan Chính phủ khác đang thảo luận về lệnh cấm SMIC do nghi ngờ liên quan tới các hoạt động quốc phòng của Trung Quốc, mặc dù công ty này khẳng định, toàn bộ công nghệ và sản phẩm của tập đoàn này chỉ phục vụ cho mục đích dân sự.

Nếu quyết định được ban hành, SMIC sẽ bị liệt vào danh sách hạn chế thương mại, giống như "số phận" của Huawei hay ZTE tại thị trường Mỹ. SMIC sẽ không thể mua linh kiện từ Mỹ để tiếp tục sản xuất chip.

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/thuc-day-nganh-cong-nghiep-chip-noi-dia-trung-quoc-gay-quy-tri-gia-475-ty-usd-de-ho-tro-cac-cong-ty-trong-nuoc-3644.html