Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 5, có 10 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được ghi nhận với tổng giá trị đạt 10.700 tỉ đồng. Trong đó, các ngân hàng phát hành 6.450 tỉ đồng, tương đương 60% tổng giá trị phát hành; 4.000 tỉ đồng thuộc về nhóm bất động sản, chiếm 37,3%; còn lại thuộc về mảng xây dựng và tài chính.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 53.914 tỉ đồng với 49 đợt phát hành riêng lẻ trị giá giá 45.036 tỉ đồng, chiếm 83,5%; 6 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỉ đồng.
Theo VMBA, các doanh nghiệp đã mua lại 6.446 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 5. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 43.520 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 51% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 21.937 tỷ đồng).
Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 167.825 tỷ đồng; 42% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 70.562 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 30.898 tỷ đồng (chiếm 18%).
Bổ sung thêm số liệu, Công ty Chứng khoán MBS cho biết, trong tháng 5 đã ghi nhận thêm 5 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, chậm trả lãi. Trong số này có 4 doanh nghiệp bất động sản, nâng tổng số chậm trả lên tới 111 doanh nghiệp.
Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 196.800 tỉ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng có báo cáo gửi bộ xây dựng cho biết, trong năm nay có khoảng 92 doanh nghiệp bất động sản sẽ tới hạn đáo hạn TPDN với giá trị khoảng 99.500 tỉ đồng. Giới chuyên gia cho rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với áp lực đến hạn trả nợ trái phiếu trong năm 2024. Nhiều doanh nghiệp thậm chị vẫn rơi vào tình trạng quá hạn thanh toán lãi, chậm trả gốc trái phiếu…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường TPDN đang tiếp tục có dấu hiệu “ấm” lên thị trường bất động sản khi thời gian qua thanh khoản đã có sự cải thiện. Diễn biến này cũng cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã qua vùng đáy, qua giai đoạn khó khăn nhất.
Để thúc đẩy thị trường TPDN cần đẩy mạnh tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản, đưa hàng tồn kho thành tài sản có thanh khoản nhằm giúp giảm áp lực đáo hạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản phải giảm hàng tồn kho bằng việc giảm giá bán, có phương án giãn, hoãn nợ và có kế hoạch trả nợ cụ thể với các trái chủ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư nhỏ lẻ thay vì chỉ được mua từ tổ chức.
Cũng đưa ra ý kiến về thị trường TPDN, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã dần quen với việc thực hiện Nghị định 65 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ trong nước và tráo bán TPDN ra thị trường quốc tế. Việc thực hiện nghị định này về lâu dài sẽ giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển hiệu quả, an toàn, ổn định và bền vững.
Thực tế, trong thời gian qua, thị trường cũng đã xuất hiện điểm sáng là nhiều công ty bất động sản niêm yết sàn đã thu xếp được nguồn tiền để tất toán nợ trái phiếu, đưa dư nợ về 0. Các công ty như Phát Đạt, An Gia, TTC Land hay Đô thị Kinh Bắc.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-phat-hanh-4000-ti-dong-trai-phieu-trong-thang-5-3686.html