Dự án đường bộ Quốc lộ 15D: Gặp khó khăn do vướng rừng phòng hộ

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường bộ Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tỉnh Quảng Trị đang gặp khó ở khâu giải phóng mặt bằng do vướng rừng phòng hộ.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (tỉnh Quảng Trị).

Đây là tuyến đường bộ ngắn nhất nối cảng biển Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) tới cửa khẩu Quốc tế La Lay (huyện Đakrông, Quảng Trị), đồng thời kết nối các tuyến dọc quốc gia như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Ngoài ra tuyến đường này cũng sẽ kết nối với Quốc lộ 15B của khu vực Nam Lào và hệ thống đường bộ của Đông Bắc Thái Lan, Myanmar tạo thành tuyến trục trên hành lang kinh tế Đông – Tây.

quoc-lo-15d-1-1717054182.png
Quốc lộ 15D đi trên khu vực đồi núi, có độ dốc cao (Ảnh: Hoàng Táo - Tuổi trẻ Online)

Quốc lộ 15D dài khoảng 92km, gồm 5 đoạn. Trong đó, đoạn 1 từ cảng Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1, chiều dài khoảng 14 km đã được đầu tư có quy mô đường cấp 3 với 2 làn xe. Đoạn 4 đi trùng đường Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 24 km, quy mô cấp 3 có 2 làn xe. Đoạn 5 từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu La Lay, chiều dài khoảng 12 km, đã có đường cũ với quy mô đường cấp 4 - cấp 6 miền núi.

Với 42 km còn lại xây dựng mới, chưa được đầu tư bao gồm: Đoạn 2 từ Quốc lộ 1A đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 8km và đoạn 3 từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34km.

quoc-lo-15d-1-1717054813.jpg
Tuyến đường có nhiều xe ô tô trọng tại lớn chạy qua (Ảnh: Báo Đầu tư)

Hiện UBND tỉnh Quảng Trị cho phép Liên danh 3 nhà đầu tư nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với 42km còn lại của dự án Quốc lộ 15D. Liên danh gồm Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn - Công ty TNHH Phonesack Việt Nam - Công ty TNHH Nam Tiến.

Liên danh nhà đầu tư đã đưa ra 3 phương án thực hiện dự án, gồm: Phương án 1 có tổng mức đầu tư 3.995 tỷ đồng với chiều dài 42,11km. Đây là phương án có chi phí thấp nhất nhưng lại ảnh hưởng đến hơn 139ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Phương án 2 tổng mức đầu tư 5.686 tỷ đồng với chiều dài 42,18km và có hầm.

Phương án 3 có chiều dài toàn tuyến 41,28km, 2 hầm và mức đầu tư 7.165 tỷ đồng. Phương án này mặc dù giảm 1km so với phương án 1, đã giảm được diện tích rừng bị ảnh hưởng nhưng chi phí lại tăng cao

Theo đó, nhà đầu tư đề xuất lựa chọn phương án 1 với mức đầu tư thấp nhất và thời gian thu hồi vốn cũng ngắn nhất (18 năm 10 tháng).

quoc-lo-15d-2-1717054392.png
Nhiều đoạn đường trên tuyến Quốc lộ 15D đã xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Hoàng Táo - Tuổi trẻ Online)

Về phương án đầu tư, Sở KH&ĐT Quảng Trị cho rằng, phương án 1 đi theo tuyến hoạch định, phạm vi nghiên cứu và quy mô đầu tư phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ đã được Thủ tướng phê duyệt.

Khó khăn lớn nhất của dự án là tuyến đường chạy qua và chiếm diện tích không nhỏ của khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Do đó phải trình Chính phủ hoặc Quốc hội để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về đơn vị nhà đầu tư, Tập đoàn Hoành Sơn với tư cách đứng đầu liên danh đang được nhiều người chú ý. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trụ sở tại thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), đại diện pháp luật là ông Phạm Hoành Sơn. Công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải, quản lý đội tàu biển, giao thương, xây dựng đầu tư, cho thuê tàu và các dịch vụ vận tải biển.

Thời gian đầu, Tập đoàn Hoành Sơn kinh doanh các vật liệu xây dựng và sản phẩm nông nghiệp. Sau đó công ty bắt đầu lấn sân và tham gia các dự án xây dựng, đầu tư quốc gia. Cụ thể, năm 2011 tham gia dự án Hệ thống cấp nước cho Khu Kinh tế Vũng Áng; năm 2015 tham gia dự án Cảng biển quốc tế Hoành Sơn; Năm 2019 góp mặt trong dự án Điện Mặt trời ở huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh)...

Gần đây, Tập đoàn Hoành Sơn tạo được vang với những thương vụ "thâu tóm" doanh nghiệp đình đám.

Năm 2016, Hoành Sơn nổi lên trong giới tài chính khi Công ty TNHH MTV Hoành Sơn (công ty con) thâu tóm dự án cảng Phước An thông qua việc mua cổ phần của Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An.

phoi-canh-du-an-ham-nghi-1717054891.jpg
Phối cảnh Khu đô thị Hàm Nghi của Tập đoàn Hoành Sơn

Tháng 10/2023, Hoành Sơn đã thay Vinhomes đề xuất tỉnh Hà Tĩnh về việc khảo sát, thực hiện dự án bất động sản Khu đô thị Hàm Nghi (thuộc TP. Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Dự án có quy mô gần 150ha, tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Năm 2023, để tăng sở hữu từ 24,54% lên 50,22% vốn điều lệ, Công ty Hoành Sơn đã mua thêm hơn 7,2 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (mã SRC). Qua đó, doanh nghiệp này chính thức trở Công ty mẹ của Cao su Sao Vàng và ông Phạm Hoành Sơn cũng trở thành Chủ tịch HĐQT của Cao su Sao vàng.

Hiện, Tập đoàn Hoành Sơn đang nghiên cứu đề xuất làm dự án Cảng tạm hàng rời và khu dịch vụ hậu cần cảng tại Hải Lăng; dự án kho bãi và điểm trung chuyển hàng hóa tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị).

Hà Lan

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/du-an-duong-bo-quoc-lo-15d-gap-kho-khan-do-vuong-rung-phong-ho-3723.html