Chị Võ Thị Tiếp (41 tuổi, quê Tiền Giang) rời quê lên TP. HCM làm công nhân đã hơn 10 năm. Thu nhập của chị hiện nay khoảng 10 - 11 triệu đồng/tháng. Còn chồng chị sau nhiều năm làm sản xuất cũng chuyển qua làm văn phòng với mức lương tương đương.
So với mặt bằng chung của công nhân, thu nhập của vợ chồng chị Tiếp thuộc nhóm khá. Thế nhưng, vợ chồng chị vẫn trọ trong căn phòng khoảng 10m2 với mức giá 1,5 triệu đồng/tháng. Căn phòng trọ chỉ đủ kê cái giường nhỏ, tủ lạnh, bếp nấu ăn và phần gác lửng cất đồ đạc.
Hỏi chị Tiếp, liệu có muốn ở một nơi tươm tất, rộng rãi hơn nhưng giá chừng 3 triệu thay vì 1,5 triệu/tháng như hiện tại không? Chị trả lời luôn là không! Chị bảo, hai vợ chồng đi làm từ sáng tới chiều, có hôm tăng ca đến 18h mới về. Đi làm về nhà cũng chỉ ăn ngủ chứ ở hết nhiêu đâu nên không cần ở khang trang hơn. Tiền ấy tiết kiệm dành dụm về quê, nuôi con cái ăn học. Chị Tiếp cho biết, cha mẹ hai bên đều ở quê nên vợ chồng chị tính làm vài năm nữa rồi về quê để tiện chăm sóc.
Chị Nguyễn Thị Xanh (quê Thanh Hóa) làm công nhân tại một công ty da giày ở TP. HCM đã 14 năm. Công nhân lâu năm như chị mức lương khoảng 11 - 11,5 triệu đồng. Còn chồng làm bên ngoài, lương trên dưới 10 triệu đồng. Thế nhưng, hai vợ chồng chị cũng chỉ thuê trọ giá chừng 2 triệu đồng trở lại chứ không muốn trả hơn.
Chị Xanh bảo, con cái gửi ông bà ở quê, trên này chỉ có hai vợ chồng đi làm tối ngày nên phòng trọ chỉ cần không ngập và thoáng một chút là đủ. Chị Xanh cho biết thêm, ngoài làm công nhân, cuối tuần chị còn đi làm phục vụ quán ăn, nhà hàng. Tiền công này đủ để trả nhà trọ. Còn tiền lương chính, vợ chồng chị tích cóp dự định xây lại căn nhà ở quê cho tươm tất.
Thu nhập của chị Tiếp và chị Xanh cũng coi như nhóm cao với công nhân mà cũng chỉ dám thuê phòng trọ tầm 2 triệu trở xuống thì với nhóm công nhân lương 6 - 7 triệu đồng/tháng thì làm sao nghĩ tới thuê nhà 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Trong phòng trọ nóng như đổ lửa, chị Thủy (quận 12, TP. HCM) buồn bã cho biết, chủ trọ thông báo sẽ tăng giá từ 2 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng/tháng/phòng. Lý do là mới sửa sang lại phòng, kê thêm bàn ghế và tủ quần áo mới. Vợ chồng chị đã quyết định trả phòng.
Chị Thủy rời quê Quảng Bình vào TP. HCM làm công nhân đã hơn 10 năm nhưng lương vẫn chỉ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm tài xế xe tải nhưng sau một lần tai nạn, sức khỏe yếu phải nghỉ việc ở nhà, ai thuê gì làm nấy, thu nhập lúc có lúc không. Trong khi đó, giá cả liên tục tăng cao khiến gia đình luôn trong tình trạng thiếu thốn.
Trước đây, mỗi tháng vợ chồng chị còn tằn tiện tích góp được 1 - 2 triệu đồng, nhưng nay thu nhập không đủ để trang trải. Giờ chị muốn làm tăng ca cũng không được vì công ty ít việc.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thiện (30 tuổi, Thừa Thiên Huế) cho hay, hai vợ chồng anh rời quê vào TP. HCM làm công nhân ở quận Bình Tân (TP. HCM) từ đầu năm 2023.
Hai vợ chồng làm công nhân nên thuê phòng trọ nhỏ gần khu công nghiệp mỗi tháng 1,8 triệu đồng. Nhưng sang năm nay, chủ trọ tăng thêm 300.000 đồng mỗi tháng. Anh bảo, với nhiều người, số tiền này không lớn nhưng với công nhân thu nhập thấp như vợ chồng anh thì phải cân nhắc. Thế nên, vợ chồng anh đang tìm phòng trọ rẻ hơn để chuyển qua.
Chị Lê Thị Lan (công nhân may tại quận 12, TP. HCM) cho biết, lương cả hai vợ chồng chỉ khoảng 12 - 13 triệu đồng mà vừa nuôi hai đứa con vừa lo cho mẹ nên chỉ tạm đủ ăn. Giờ mà tăng tiền nhà thêm một vài triệu thì không biết lấy khoản nào bù vào.
Chị Lan cho biết, dưới quê không còn nhà hay đất nên vợ chồng chị đã đón mẹ lên ở cùng. Chị nhẩm tính, mỗi tháng tiền trọ và điện nước khoảng 2 triệu, tiền học và tiền sữa của 2 con khoảng 4 - 5 triệu. Còn lại 5 - 6 triệu để dè sẻn chi tiêu, ăn uống hàng ngày của 3 người lớn và 2 đứa nhỏ mới vừa đủ.
Chị Lan bộc bạch, giờ thêm bớt khoản nào cũng khó. Chị hy vọng thời gian tới công ty có đơn hàng ổn định hơn thì thu nhập mới đỡ xíu để còn tích cóp phòng thân, lo cho con cái sau này.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhieu-cong-nhan-nham-mat-thue-nha-tro-gia-re-de-tiet-kiem-chi-phi-3726.html