Moca trở thành ví điện tử đầu tiên dừng hoạt động tại Việt Nam

Moca vừa công bố sẽ dừng cung cấp dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam từ ngày 1/7/2024, trở thành đơn vị đầu tiên rời “cuộc chơi” trong lĩnh vực khiến nhiều người bất ngờ.

Trước đó, Moca, ZaloPay và Momo là 3 tên tuổi gần như thống lĩnh tới 90% thị trường ví điện tử tại Việt Nam. Việc Moca bất ngờ tuyên bố dừng hoạt động khiến nhiều người không khỏi cảm thấy khó tin.

Đáng lưu ý, cách đây 4 năm, nhà sáng lập Moca Trần Thành Nam vẫn khá tự tin về thị trường ví điện tử lúc bấy giờ vẫn còn khá rộng mở. Theo ông này, thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam đang có sự phân mảnh nhưng rất khổng lồ, vẫn còn nhiều không gian để phát triển. “Tôi không quan ngại về việc có quá nhiều tay chơi trên thị trường này, mỗi tay chơi sẽ có thế mạnh riêng và mỗi người đều có cơ hội, bởi thị trường quá lớn”, vị này cho biết.

Kỳ vọng sự phát triển lớn của Moca càng được nhấn mạnh khi doanh nghiệp có cú bắt tay với Grab – siêu ứng dụng cung cấp dịch vụ gọi xe, đặt đồ ăn, giao hàng… với lượng người dùng khổng lồ. Chỉ tính đến năm 2020, Moca đã thu hút tới 2,5 triệu người dùng.

Việc Moca bất ngờ tuyên bố dừng hoạt động ví điện tử từ ngày 1/7 đã có những tác động lớn đối với khách hàng của cả 2 doanh nghiệp.

vi-dien-tu-moca-1717153794.jpg
Ví điện tử Moca đã có một giai đoạn phát triển hoàng kim trước khi tuyên bố sẽ chính thức dừng hoạt động từ ngày 1/7/2024.

Tuyên bố của Moca nêu rõ: “Công ty đã có những đánh giá cẩn trọng và đưa ra quyết định thực hiện chiến lược tái cấu trúc nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững. Theo đó, công ty ngừng cung cấp dịch vụ Ví điện từ Moca từ ngày 01/07/2024”, đồng thời lưu ý thêm, người dùng nếu còn số dư trong ví Moca, hoàn toàn có thể chủ động quản lý số dư này bằng cách chi tiêu cho các dịch vụ hoặc rút tiền về tài khoản/thẻ ngân hàng liên kết còn hoạt động từ nay cho đến hết ngày 30/6.

Moca cam kết việc ngừng cung cấp dịch vụ ví điện tử và hoàn tiền sẽ được triển khai với sự bảo đảm cao nhất về quyền và lợi ích của người dùng. Công ty cũng khuyến khích khách hàng cân nhắc chuyển sang các hình thức thanh toán khác đang khả dụng trên Ứng dụng Grab như ZaloPay, MoMo hoặc thẻ ngân hàng.

Theo một số nguồn tin, việc dừng cung cấp dịch vụ ví điện tử Moca là một động thái cho thấy công ty đang tập trung nguồn lực vào các dịch vụ trung gian thanh toán khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn tại thị trường Việt Nam.

vi-dien-tu-1717153922.jpg
Thị trường ví điện tử Việt Nam đang có sự bung nở như nấm sau mưa, nhưng sự cạnh tranh cũng không kém phần khốc liệt.

Theo số liệu được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, tại Việt Nam đã có hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử tham gia vào thị trường thanh toán cùng với các ngân hàng. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn như MoMo, VNPAY, Moca, ShopeePay, ZaloPay, Payoo, thị trường ví điện tử đang ngày một sôi động khi có sự gia nhập của hàng loạt các tân binh như VinID, SenPay, 9Pay, MobiFone Pay, eM, SmartPay... Theo đó, trong xu thế cạnh tranh khốc liệt của thị trường, thương hiệu ví điện tử nào có hệ sinh thái tốt sẽ chiếm lĩnh thị phần, trong khi các ví còn lại không có hệ sinh thái sẽ phải cạnh tranh trên mọi phương diện.

Để tăng cường tiếp cận, mở rộng tệp khách hàng, MoMo đã sớm hợp tác với các ứng dụng như Baemin, Be hay Ahamove và gần đây là Gojek để thanh toán cho các dịch vụ trên nền tảng này. ZaloPay cũng hợp tác với các sàn thương mại điện tử Sendo, Tiki, Lazada, hay TikTok… Các xu hướng khác bao gồm hợp tác, mua bán sáp nhập (M&A) cũng được dự báo sẽ diễn ra khiến thị trường ví điện tử Việt thời gian tới.

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/moca-tro-thanh-vi-dien-tu-dau-tien-dung-hoat-dong-tai-viet-nam-3754.html